Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về 3 dự thảo luật liên quan đến quốc phòng, quân sự, viễn thông và căn cước công dân
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Tổ phó Tổ 13 điều hành thảo luận tổ
– Tiếp theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 10/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham gia thảo luận tại tổ 13 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ phó Tổ 13 điều hành thảo luận. Tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, các ĐBQH đã thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi). ĐBQH các tỉnh cơ bản nhất trí với những nội dung ban soạn thảo đề nghị trong dự thảo sửa đổi.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến thảo luận về Luật Viễn thông (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến thảo luận về Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, tại khoản 1 Điều 63 cơ quan soạn thảo cũng đã cầu thị và đưa nội dung về công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các loại tài sản khác để các doanh nghiệp, đơn vị đặt trạm thu phát sóng, trạm BTS thuận lợi cho việc quản lý cũng như phù hợp với các luật khác có liên quan. Tại khoản 1, Điều 64, ban soạn thảo đã xem xét, đưa nội dung quyết định cũng như giải quyết liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền đối với lĩnh vực các công trình viễn thông vào dự thảo, đó là đề cập tới UBND cấp có thẩm quyền có trách nhiệm giao đất cho việc xây dựng công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia được sử dụng làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm quy định về vai trò, trách nhiệm cũng như sự ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa phù hợp với mục tiêu của Đảng đề ra đối với phát triển hạ tầng viễn thông. Đồng thời đề nghị ban soạn thảo xem xét để một số quy định của luật này không vướng với các luật khác như Luật Đất đai và các luật khác có liên quan.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến vào dự thảoLuật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Phát biểu ý kiến thảo luận về Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, tại Điều 1 dự thảo luật, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định tách ra phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Về giải thích từ ngữ tại Điều 2 dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung thêm giải thích về khái niệm thành cổ, pháo phòng thủ, hiện nay tại điểm a, khoản 3, Điều 5 dự thảo luật có đề cập nội dung này nhưng chưa có giải thích khái niệm. Đối với nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự thuộc Bộ Quốc phòng tại Điều 20, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào khoản 1 nội dung liên quan đến nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ, quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm đảm bảo phù hợp với định hướng trọng tâm phát triển khoa học công nghệ trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030. Đồng thời tại khoản 2 của Điều 20, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định liên quan đến trưng dụng theo quy định pháp luật các phương tiện thông tin, giao thông, các phương tiện khác trong khu vực đó để thực hiện các nhiệm vụ trong trường hợp cấp bách quản lý bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự nhằm đảm bảo tính đồng bộ theo quy định của pháp luật tại Luật An ninh quốc gia 2004, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến thảo luận vào 3 dự thảo luật
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý vào 3 dự thảo luật, trong đó, đối với dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm như thế nào là công trình quốc phòng và khu quân sự; cấp có thẩm quyền xác định các công trình thuộc quốc phòng và khu quân sự; tại Điều 11 dự thảo luật quy định về chuyển đổi công trình quốc phòng, quân sự, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Tại khoản 2 Điều 26 về chế độ chính sách đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong phạm vi đất quốc phòng, quân sự thuộc nhóm đặc biệt thì được hưởng chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét đối tượng, nội dung các chính sách cho phù hợp.
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo báo cáo rõ hơn tác động của những nội dung mới đưa vào dự thảo luật như: điện toán đám mây, dịch vụ internet viễn thông OTT, quản lý vấn đề sim. Đồng thời, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát khái niệm viễn thông trong dự thảo luật sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; bổ sung quy định cấm mua bán thông tin dữ liệu của người sử dụng; việc thực hiện dịch vụ viễn thông công ích đối với các doanh nghiệp. Đối với dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), đại biểu đề nghị xem xét về phạm vi điều chỉnh, cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi; chi phí và các thông tin được tích hợp vào cơ sở dữ liệu; bảo mật dữ liệu của công dân; chính sách của Nhà nước đối với việc cấp căn cước công dân…
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ý kiến ()