Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và đóng góp ý kiến vào Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ phó Tổ 13 điều hành thảo luận tại tổ
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 20/6 Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tham gia thảo luận tại tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ phó Tổ 13 điều hành thảo luận. Tham dự có đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.
Cho ý kiến về dự thảo luật, các ý kiến tại Tổ 13 đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn sự cần thiết, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, phạm vi điều chỉnh của dự án luật; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc tổ chức, vị trí chức năng, quy chế hoạt động, địa vị pháp lý, quan hệ công tác, độ tuổi… của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
ĐBQH tỉnh Lạng Sơn và các ĐBQH trong tổ thảo luận về nhiều nội dung, khía cạnh mà dự thảo luật đề cập. Về nguyên tắc tổ chức, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính; phát hiện từ sớm, từ xa, chủ động ngăn ngừa là chủ yếu; dựa vào cộng đồng là chủ đạo. Đồng thời không phát sinh tăng thêm số người thuộc diện chi ngân sách nhà nước; cân nhắc tổng thể bình diện của cả nước để xem xét trọng điểm vùng sâu vùng xa, vùng có yếu tố phức tạp để tăng cường lực lượng cho các địa bàn này.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Về tiêu chuẩn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là lực lượng chính quy, mà là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã, là tai mắt của lực lượng quân đội, của lực lượng công an ở cơ sở, nhưng dự thảo chỉ quy định chung chung về các tiêu chuẩn, các ĐBQH đề nghị bổ sung thêm tiêu chuẩn về thái độ chính trị, tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì cộng đồng; bổ sung quy định về sức khỏe tinh thần để trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo khách quan, công tâm, chính trực, không thiên vị. Bên cạnh đó, dự thảo luật chỉ quy định độ tuổi tối thiểu mà không quy định độ tuổi tối đa tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với tỷ lệ 93,72% đại biểu tán thành; thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản tán thành với dự thảo luật; Báo cáo thẩm tra và Báo cáo tổng hợp tiếp thu ý kiến đối với dự thảo luật.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Đóng góp ý kiến cụ thể, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm hai hành vi cấm vào khoản 2 và khoản 4 Điều 10. Tại khoản 5 Điều 10, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo biên tập lại theo hướng làm rõ hơn ranh giới nội hàm của các hành vi bị cấm. Bởi theo dự thảo luật, hiện các hành vi bị cấm chưa thực sự rõ ràng, có thể dẫn đến việc suy luận, suy diễn ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Tại khoản 6 Điều 24, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung quy định về phân cấp để tăng cường trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện.
Ý kiến ()