Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tổ về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
- Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; tình hình thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, dự án Luật Điện lực (sửa đổi)... Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh họp phiên thảo luận ở Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành phiên họp tại Tổ 13.
Tại thảo luận tổ, các đại biểu đã cho ý kiến vào các nội dung: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi)…
Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tán thành ý kiến thẩm tra của Uỷ ban kinh tế về việc cần bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ giải pháp mà trong báo cáo của Chính phủ chưa đề cập. Trong đó bao gồm nội dung có liên quan đến việc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ đó tăng thêm mức độ tin cậy và uy tín cho các nhà đầu tư cũng như các ngân hàng trong thời gian tới.
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung về việc đẩy mạnh công tác xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý cũng như một số địa phương quản lý, đặc biệt là các dự án BOT đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc, bao gồm có tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Thái Bình, Hà Nam...
Qua tìm hiểu, có thể thấy rằng, các dự án đầu tư theo đối tác công tư (PPP) nói chung, sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, ví dụ như: góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương nói riêng, cả nước nói chung, giảm thiểu tai nạn giao thông, lưu thông hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.....
Bên cạnh những ưu điểm, luôn phát sinh những hạn chế, bất cập, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, bao gồm những nguyên nhân do một số bất cập từ cơ chế, chính sách. Hơn nữa, có những dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng sau một thời gian thực hiện, phương án tài chính bị thay đổi do những hạn chế, bất cập về phương án thu phí, về sụt giảm doanh thu, như phát sinh tình huống bị phân chia lưu lượng, phát sinh các chính sách nhằm kiểm soát giá, giảm mức phí, các quy hoạch bị điều chỉnh hoặc lưu lượng xe không đạt như dự báo,.. Do vậy, rất cần thiết bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với nội dung cần phải đẩy mạnh giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, đặc biệt là một số dự án BOT đã triển khai và đã định lượng được những khó khăn, vướng mắc.
Trong đó cân nhắc giải pháp về việc sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu do nguyên nhân khách quan. Đồng thời có giải pháp cho phép áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được vượt mức 50% lên tối đa 70%, trong trường hợp qua các địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hoặc đặc biệt khó khăn như đã áp dụng thí điểm đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Theo các ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, hiện nay trên cả nước có khoảng hơn 20 dự án của nhiều tỉnh với tổng mức kinh phí hơn 770 tỷ đồng, đang bị nợ đọng xây dựng cơ bản trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải về việc “Xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thanh toán giá trị nợ đọng xây dựng cơ bản của dự án Cải tạo nền mặt đường và công trình đoạn Km8-Km29 và Km40-Km66 trên Quốc lộ 4A, tỉnh Lạng Sơn với giá trị là 133,077 tỷ đồng”. Đến thời điểm hiện tại dự án đã thi công hoàn thành phần khối lượng còn lại và hạng mục điều chỉnh dự án. Cử tri Lạng Sơn cũng có ý kiến nhiều lần, theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi các địa phương, về việc chuẩn xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản và phần phải trả trong quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. Các địa phương cơ bản đã báo cáo xong.
Trên cơ sở ý kiến cử tri, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ về việc giải quyết khó khăn vướng mắc, sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2026 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các dự án đã hoàn thành, đặc biệt trước mắt đối với 20 dự án của nhiều địa phương.
Các ĐBQH tỉnh cũng kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản quy định về quyền sở hữu các-bon rừng, quy định về trao đổi, chuyển nhượng các-bon rừng, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ các-bon rừng, theo đó, địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nghiên cứu bổ sung quy định về Quỹ phát triển điện lực để góp phần phát triển nguồn điện cũng như thực hiện điều tiết giá bán lẻ điện cho nhóm đối tượng yếu thế nhằm từng bước phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Về thời điểm thông qua dự thảo luật, ĐBQH tỉnh đề nghị xem xét thông qua tại 2 kỳ họp, tiếp tục lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ này, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sau.
Ý kiến ()