Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Các ĐBQH tỉnh tham dự thảo luận tổ
– Tiếp theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 9/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn tham gia thảo luận tại tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Tại tổ thảo luận, các ĐBQH đã tập trung thảo luận về 2 dự thảo luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Các ĐBQH phát biểu sôi nổi và cơ bản nhất trí với các dự thảo luật được đưa ra thảo luận tại tổ.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến cụ thể vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng: Qua thực tiễn tiếp xúc cử tri các ngành, tham gia các cuộc tiếp công dân của lãnh đạo tỉnh với một số vụ việc cụ thể, đại biểu thấy rằng cần có bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung, quy định để người dân không thiệt thòi. Cụ thể, tại Điều 60 nguyên tắc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm 1 nguyên tắc, đó là khi việc lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất thì cũng không được làm ảnh hưởng đến quyền công dân đối với đất đai và cũng cần quy định cụ thể hơn đối với người có đất trong vùng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp để họ đảm bảo đời sống và sinh kế.
Đối với trường hợp hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 107, khoản 2 có nêu: Ngoài việc quy định hỗ trợ tại khoản 1 điều này thì căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, UBND các tỉnh quyết định biện pháp, mức độ khác nhau để đảm bảo có chỗ ở, ổn định đời sống sản xuất đối với người có đất bị thu hồi theo từng dự án cụ thể, đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp, linh hoạt. Tuy nhiên, để cho UBND tỉnh có thể có căn cứ thực hiện các biện pháp hay có mức độ hỗ trợ khác nhau này cũng phải theo căn cứ, quy định của luật hay nghị định, thông tư để thực hiện. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có văn bản hướng dẫn của Chính phủ về nội dung này để các địa phương có thể áp dụng được.
Đối với bảng giá đất tại Điều 159 về xây dựng bảng giá đất hàng năm, nội dung này khi làm việc với Sở Tài nguyên môi trường tỉnh, sở cũng có kiến nghị nếu xây dựng bảng giá đất hằng năm thì cơ quan sở chỉ làm được mỗi nội dung này thôi, không làm được việc khác nữa bởi nhân lực được giao ít mà khối lượng công việc nhiều, trong khi đó nội dung này phải thông qua HĐND tỉnh biểu quyết. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định nội dung này như nào cho phù hợp với thực tế và thực hiện khả thi tại các địa phương.
Theo chương trình, ngày mai 10/6, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); buổi chiều thảo luận ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Ý kiến ()