Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Căn cước
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Căn cước
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án luật này. Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo luật hiện có 7 chương, 46 điều. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề: việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bám sát các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính hợp lý của các điều khoản tiếp thu, giải trình; tên gọi của dự thảo luật; nội dung giải thích từ ngữ, đặc biệt là một số khái niệm số định danh cá nhân, tích hợp thông tin; quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với việc phân loại thông tin cung cấp bắt buộc và thông tin cung cấp tự nguyện…
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành với bản mới nhất của dự thảo Luật Căn cước, cũng như nội dung giải trình, tiếp thu đối với dự thảo luật này.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt, như tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 dự thảo luật. Đồng thời, có thể cân nhắc, bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào Điểm d Khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.
Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt theo hướng là khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học và chia sẻ thông tin, dữ liệu đó cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Bởi theo đại biểu, trên thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều địa phương, trang thiết bị chuyên dụng để thực hiện việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là chưa đảm bảo và chưa khả thi. Hơn nữa, cũng chưa thực sự cấp thiết phải thu thập một cách bắt buộc để cấp thẻ căn cước.
Hơn nữa, tại trang 15 Báo cáo số 1931/BC-BCA của Bộ Công an tại Kỳ họp thứ 5 về việc đánh giá tác động chính sách, có đề cập đến việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật (quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc…).
Theo chương trình, chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Ý kiến ()