Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về một số dự thảo nghị quyết
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
– Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và một số chủ trương đầu tư khác.
Tại phiên thảo luận đã có 12 ĐBQH phát biểu, 2 ĐBQH tranh luận, 9 ĐBQH gửi ý kiến đóng góp về Ban thư ký để tổng hợp.
Phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Tại điểm b khoản 2 Điều 17 quy định “Người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh cụm từ “các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận” bằng một cụm từ khác phù hợp hơn và không nên sử dụng cụm từ “được người khởi tạo chấp thuận”.
Tại khoản 1 Điều 18 quy định về thời điểm gửi thông điệp dữ liệu, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa theo hướng gộp hai trường hợp mô tả trong hai khổ thành một trường hợp với nội hàm chung cho cả hai trường hợp; đồng thời hạn chế quy định chi tiết nặng về tính kỹ thuật, công nghệ.
Đại biểu cũng đóng góp ý kiến, bổ sung một số cụm từ vào Điều 19 về nhận thông điệp dữ liệu để đảm bảo phù hợp với nội hàm của nội dung tuyên bố như tại dự thảo và phù hợp với hành động trong thực tế.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết này và dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Đoàn ĐBQH tỉnh có đại biểu Phạm Trọng Nghĩa và đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ về 2 dự thảo nghị quyết nêu trên. Đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết này để tạo cơ chế cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thống nhất cách sử dụng thuật ngữ chỉ đơn vị là tỉ lệ %, và thuật ngữ chỉ số lượng dưới dạng phân số; cân nhắc sửa một số cụm từ tại khoản 3 Điều 18 về phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ…
Ý kiến ()