Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
– Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 23/5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; nghe các cơ quan của Chính phủ, Uỷ ban của Quốc hội trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiếp tục thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc lập Chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, các đề nghị xây dựng pháp luật ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn, chất lượng hồ sơ ngày càng được nâng cao, quá trình tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường, đặc biệt hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định Chương trình xây dựng pháp luật còn lớn.
Năm 2023, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn dự án đã được Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, theo phụ lục 3 kèm theo Tờ trình số 476 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Chương trình nhằm hoàn thiện thể chế. Nhưng mặt khác việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với Chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào chương trình năm 2024 và năm 2025.
Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu cho rằng, đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự trong trường hợp dự án luật được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình, đề nghị bổ sung một mục tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật để ban hành luật hoặc Nghị quyết quy định những vấn đề về nguyên tắc, về cơ chế pháp lý để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể…
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về dự thảo Luật giá (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu điều chỉnh nội dung tại một số điều; xem xét, bổ sung thêm cụm từ “định giá” tại khoản 2, khoản 3 (Điều 38) để phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính (quy định tại Điều 14), phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh (quy định tại Điều 16). Tại Khoản 2 Điều 45 về Đăng ký hành nghề thẩm định giá, dự thảo quy định về đối tượng không được hành nghề thẩm định giá, vì vậy đại biểu đề nghị xem xét bổ sung đối tượng viên chức để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động thẩm định giá.
Ý kiến ()