Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến đề nghị sớm ban hành Luật về công tác dân tộc
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn dự Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội XV
– Sáng 24/5, tiếp tục chương trình, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành trình bày báo cáo, tờ trình, báo cáo thẩm tra về: tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn dự và có ý kiến tham gia tại kỳ họp.
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Công tác dân tộc.
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Công tác dân tộc
ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: Hiện nay, theo rà soát của Ủy ban Dân tộc, hệ thống quy phạm pháp luật về công tác dân tộc thiểu số nằm rải rác ở hơn 300 văn bản, chủ yếu là văn bản ở cấp Chính phủ, cấp bộ với 52 nghị định, 11 nghị quyết của Chính phủ, 118 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hơn 50 thông tư của các Bộ trưởng.
Trong số các văn bản này, Nghị định số 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ là văn bản điều chỉnh toàn diện nhất về công tác dân tộc. Tuy nhiên, Nghị định này đã được áp dụng hơn 10 năm, chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các chính sách mới liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong khi đó, Điểm e khoản 1 Điều 15 của Luật BHVBQPPL quy định: Quốc hội ban hành luật để quy định Chính sách dân tộc. Vì vậy, cần có quy phạm pháp luật ở tầm luật, điều chỉnh thống nhất các chính sách dân tộc, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực dân tộc. Đạo luật này, cần thể hiện rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, có tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn; có tính ổn định và tính khả thi cao.
Theo ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, việc Quốc hội ban hành luật về lĩnh vực dân tộc cũng là kinh nghiệm lập pháp ở các Quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Philippines, Ba Lan, Séc, Hungary, Croatia… Ở nước ta, Dự án Luật Dân tộc đã được soạn thảo từ năm 1993 (theo Quyết định số 18-QĐ/UBTVQH, ngày 4/2/1993 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), đến nay đã gần 30 năm, đã qua nhiều lần dự thảo, nhiều lần xin ý kiến nhưng vẫn chưa được trình Quốc hội. Trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV mới chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định danh mục thành phần, tên gọi các dân tộc Việt Nam mà chưa có Dự án Luật về công tác công dân tộc.
Với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa truyền tải mong muốn của cử tri, đồng bào các dân tộc thiểu số đến Quốc hội về một văn bản luật có giá trị pháp lý cao, điều chỉnh tổng thể và toàn điện về dân tộc thiểu số. ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ sớm tổng kết việc thực hiện Nghị định số 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc và các quy định liên quan để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật về công tác dân tộc; đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa dự án này vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 hoặc chậm nhất là năm 2024 để xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục nghe lãnh đạo các bộ, ngành trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Các ĐBQH chia tổ và thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Ý kiến ()