Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ sớm thương lượng tăng lương tối thiểu
Quốc hội thảo luận tại hội trường
– Ngày 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết ngày; thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội trường, kiến nghị Chính phủ cần sớm thương lượng tăng lương tối thiểu
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu tỉnh Lạng Sơn đã nêu ý kiến kiến nghị Chính phủ cần sớm thương lượng tăng lương tối thiểu. Theo đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ ra rằng, người lao động là tài sản quý giá của đất nước, người lao động cần phải được đãi ngộ xứng đáng, phải được đặt vào trung tâm của các chính sách để được hưởng thành quả từ sự phát triển của đất nước, của dân tộc.
Để bảo vệ và phát triển tài sản quý giá này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, cụ thể, Chính phủ cần chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng tăng lương tối thiểu năm 2023 để bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ như quy định của Bộ Luật Lao động. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu, giao cơ quan độc lập, có thể là cơ sở nghiên cứu để công bố, phản biện lại mức sống tối thiểu do cơ quan thống kê công bố, đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh mức lương tối thiểu giờ cao hơn hẳn so với mức trung bình thu nhập tháng. Cùng với đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 nhằm thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực.
Ý kiến ()