Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn góp ý kiến vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Quang cảnh phiên họp thảo luận tại hội trường của các ĐBQH
– Ngày 2/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu nêu ý kiến đóng góp vào công tác THTK,CLP năm 2021 tại hội trường
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến đóng góp vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Theo đó, đại biểu tán thành với nội dung các báo cáo đã trình và cho rằng trong năm qua, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã rất quan tâm, trách nhiệm và khoa học trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách đầy đủ, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trên cơ sở 6 nội dung đề nghị tập trung thảo luận của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu thêm một số ý kiến, kiến nghị. Cụ thể, đại biểu kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sớm ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công thuộc Danh mục chi tiết dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN. Nội dung này được quy định tại Quyết định số 2099/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 21/2019/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN.
Theo đại biểu, đã 5 năm kể từ khi Quyết định số 2099 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành và đã 3 năm kể từ khi Thông tư 21 của Bộ trưởng KH&CN được ban hành. Hiện nay cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vẫn đang chờ và chưa có đủ căn cứ để tham mưu xây dựng và trình UBND cấp tỉnh ban hành quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN theo thẩm quyền như quy định tại Điều 20 và Điều 21 của thông tư này.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành, lĩnh vực để có cơ sở rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi theo đại biểu, hiện nay các địa phương đang gặp khó khăn trong việc triển khai nội dung này. Cụ thể là về việc xác định số người làm việc tối thiểu là 15 người trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định này. Vì phải chờ Danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đối với nhóm nội dung về Cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, biên chế, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ có giải pháp phù hợp nhằm tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ đối với các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Giải pháp này nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Lưu Bá Mạc cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào các tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khoá hoặc chính khóa tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Từ đó góp phần đẩy mạnh được công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho học sinh, sinh viên. Giải pháp này có thể góp phần xây dựng được văn hoá về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai gần.
Ý kiến ()