Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 21/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Lưu Bá Mạc, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến về luật này và bày tỏ sự tán thành với hồ sơ dự án Luật Tần số vô tuyến điện.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, đối với nội dung còn có ý kiến khác nhau là việc “Sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng, phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế tại Điểm c Khoản 17 Điều 1 dự thảo luật”, đại biểu đồng tình với giải pháp “cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp nhà nước, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh, để khi cần có thể huy động tần số thương mại này, sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh”. Đồng thời đại biểu đề xuất lựa chọn phương án 1 tại Khoản 6 và Điểm c của Khoản 17 dự thảo luật, tức là bổ sung Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 18 và không bổ sung Khoản 4 Điều 45 của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009.
ĐBQH Lưu Bá Mạc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc làm rõ nội hàm của cụm từ “chiếm tỷ lệ cơ bản” trong câu “lượng tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh chiếm tỷ lệ cơ bản trên tổng lượng tần số đề nghị cấp phép” như quy định tại khoản 6 Điều 1 dự thảo luật, tức là sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 18 Luật tần số vô tuyến điện năm 2009.
Đại biểu cho rằng, vì hiện nay nội hàm “chiếm tỷ lệ cơ bản” này chưa được quy định rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, có thể gây khó khăn trong quá trình triển khai và cụ thể hóa trong thực tiễn.
Đối với vấn đề về trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia, tại điểm b khoản 17 Điều 1 Dự thảo luật, tức là sửa đổi bổ sung Điểm b Khoản 3 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, ĐBQH Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm cơ quan, có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân khác phải ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho tần số và thiết bị vô tuyến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho đến khi kết thúc tình huống “ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia” như quy định tại Điểm a khoản này.
Lý giải ý kiến này, đại biểu cho rằng, hiện nay, dự thảo mới chỉ quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện, ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên đối với tổ chức, cá nhân khác thuộc tình huống nêu trên, như quy định tại Điểm b khoản này, chưa có quy định nào liên quan đến cơ chế để thông báo cho tổ chức, cá nhân biết và để ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.
Trong chương trình, sau ý kiến của các ĐBQH, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp đã giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Ý kiến ()