Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
– Ngày 13/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn bày tỏ tán thành phương án 2 là “Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề tại các cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn” (khoản 1 Điều 26 dự án luật – quy định về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc theo hướng phân cấp mạnh hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, sở y tế ở địa phương). Nghĩa là, căn cứ trên kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề của các cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn của Hội đồng Y khoa Quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp, thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề.
Đối với quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 44 về điều kiện để cấp mới giấy phép hoạt động cần có hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó bao gồm hoạt động khám chữa bệnh từ xa, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết: Việc bảo mật thông tin là hết sức cần thiết, vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung về bảo mật thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh vào dự án luật cho phù hợp.
Về khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa (Điều 55 dự án luật), đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, để chẩn đoán, điều trị qua các phương tiện truyền thông, qua hình thức trực tuyến, việc xác minh danh tính của người hành nghề khám chữa bệnh và bệnh nhân, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan cần phải được làm rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về quy trình khám, chữa bệnh từ xa và nội dung này cần được quy định cụ thể hơn nữa bằng một mục hoặc một chương trong dự án luật.
Nhấn mạnh vai trò của luật, tính chất phức tạp và phạm vi ảnh hưởng của luật, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị xem xét luật này theo quy trình 3 kỳ họp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã phát biểu ý kiến với 5 nội dung. Trong đó, về quan điểm xây dựng dự án luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc thể chế hóa quan điểm về bộ máy nhà nước tinh gọn hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Nghị quyết số 18 trong dự án luật.
Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu làm rõ về cơ sở lý luận, từ đó bổ sung nội dung kiểm tra vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật và nếu cần thiết xem xét đổi tên luật phù hợp như Luật Thanh tra, kiểm tra nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền: cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.
Đại biểu nhất trí với nguyên tắc cơ bản được xác định trong báo cáo thẩm tra là có quản lý nhà nước là có hoạt động thanh tra và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở chính trị và pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra trong cơ quan thuộc Chính phủ.
Về giám sát hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị bổ sung quy định bảo đảm tính độc lập, khách quan của hoạt động giám sát; đồng thời, bổ sung quy định về việc xử lý trách nhiệm của các thành viên giám sát khi không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, can thiệp trái quy định vào hoạt động thanh tra.
Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, nhất là đối với thanh tra chuyên ngành để bảo đảm minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp và đối tượng thanh tra.
THANH HUYỀN - ANH TUẤN
Ý kiến ()