Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
- Ngày 22/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ hai với các nội dung: nghe báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027; tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dữ liệu; thảo luận ở hội trường về Luật Dược và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn gồm có 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật hiện hành và bổ sung 3 điều mới. Phần lớn các nội dung của dự thảo luật sau chỉnh lý đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo dài 70 trang trình Quốc hội phản ánh đầy đủ các nội dung tiếp thu, giải trình theo từng nhóm vấn đề.
Thảo luận tại hội trường đã có 11 đại biểu cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các ĐBQH đã phát biểu, đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số định nghĩa của dự thảo luật; điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dược; quản lý giá của tất cả các loại thuốc; quy định rõ hơn về chuyển đổi số trong ngành dược; cần thiết rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; đảm bảo tính thống nhất với Luật Giá; quy định cụ thể hơn nữa các chính sách trong dự thảo Luật; bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được cho phép; cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược; thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; rà soát toàn bộ dự thảo Luật, không luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ…
Dự thảo Luật Dữ liệu được Chính phủ xây dựng với 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm Dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu. Các nội dung quy định trong dự thảo luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số…
Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương và 65 điều. Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đề nghị ban soạn thảo làm rõ nguyên tắc phòng, chống mua bán người; quy định cụ thể về việc thành lập cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân;…
Phát biểu ý kiến tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã góp ý vào nguyên tắc phòng, chống mua bán người (Điều 4). Theo đại biểu, tại khoản 5 và khoản 8 dự thảo luật có quy định về hợp tác quốc tế, có nội dung trùng lặp, vì vậy đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ "các cam kết, điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên" và đề nghị viết lại như sau: “Tăng cường công tác phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, các cam kết, điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, là thành viên và pháp luật, tập quán quốc tế.”
Về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung từ "đối ngoại" vào khoản 1 để phù hợp với nội dung về hợp tác quốc tế tại điều 4 dự thảo Luật.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung thêm một khoản quy định về việc người tham gia phòng ngừa mua bán người được tham gia tập huấn; cung cấp các nội dung kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người; các thông tin cần thiết để phục vụ tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 14); bổ sung thêm một nội dung vào khoản 1 Điều 33 đó là: "Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án xét xử các tội phạm về mua bán người" với lý do tại điểm c, khoản 2 điều này quy định thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân gồm: cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân. Trong đó có toà án, khi tòa án xét xử các vụ án hình sự về mua bán người, nội dung bản án đã xác định rõ người là nạn nhân của tội phạm mua bán người, đây chính là tài liệu chứng nhận nạn nhân có hiệu lực pháp luật mà không cần thiết phải cấp thêm giấy xác nhận người là nạn nhân, người không là nạn nhân, tránh phát sinh thêm thủ tục không cần thiết.
Ý kiến ()