Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Quang cảnh Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
–Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sáng 5/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật này, sau đó Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi tới các ĐBQH. Đây là dự thảo luật có nhiều nội dung phức tạp, liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, vì vậy ĐBQH có nhiều ý kiến đóng góp để cơ quan soạn thảo bổ sung, hoàn thiện.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Góp ý về bảo hành nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý giữa thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu là 24 tháng đối với công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I.
Về ban quản trị nhà chung cư quy định tại Điều 144, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ thêm quy định có liên quan đến ban quản trị nhà chung cư; yêu cầu đối với thành viên ban quản trị nhà chung cư hoặc công nhận ban quản trị chung cư…
Tại khoản 4, Điều 144, đại biểu đề nghị quan soạn thảo cân nhắc sửa cụm từ “khuyến khích” thành cụm từ “tiêu chuẩn lựa chọn” và đề xuất sửa thành tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia ban quản trị nhà chung cư là những người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật phòng cháy chữa cháy…
Tại Điều 21 dự thảo luật có đề cập đến quy định là tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc có nên đưa đại diện/cá nhân nước ngoài sở hữu các căn hộ nêu trên là thành viên ban quản trị nhà chung cư.
Chiều cùng ngày, sau khi làm việc tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tổ 13 gồm 4 Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang.
Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng của các nội dung, điều khoản của luật này đảm bảo phù hợp với các luật khác. Tại điểm c, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định về chuyển nhượng vốn trong kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác xã, một mặt tạo điều kiện, phù hợp với các luật khác và có thể chuyển nhượng vốn trong doanh nghiệp mà chúng ta không phải chuyển nhượng dự án bất động sản. Tuy nhiên cũng có mặt phát sinh và mâu thuẫn, vì vậy nên có tỷ lệ nhất định trong chuyển nhượng vốn tối đa đối với doanh nghiệp khi mà chuyển nhượng bất động sản thì cũng cần có điều kiện ràng buộc, để hạn chế những việc phát sinh trong trường hợp đang thực hiện những dự án khác dẫn đến tranh chấp dân sự.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 12 dự thảo Luật quy định dự án bất động sản phải phù hợp với quy hoạch kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt về sử dụng đất, về phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết,… đại biểu Hoàng Văn Nghiệm cho rằng, cơ quan soạn thảo nên bổ sung thêm chương trình kế hoạch phát triển nhà ở nhằm đảm bảo thống nhất với quy định tại Luật Nhà ở cũng đang lấy ý kiến sửa đổi. Tại Điều 14 về nguyên tắc kinh doanh nhà ở nên quy định thống nhất phù hợp với Luật Đất đai vì tại khoản 1 điều này quy định việc mua bán nhà ở, công trình xây dựng phải gắn với quyền sử dụng đất và theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành thì công trình xây dựng chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công cộng, vì vậy, đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung từ ngữ, câu từ theo hướng thống nhất phù hợp với quy định của Luật Đất đai nhằm đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và toàn diện hơn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, các tài liệu trong Hồ sơ được chuẩn bị công phu, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tuy nhiên, một số văn bản kèm theo Hồ sơ dự án Luật như: Báo cáo đánh giá tác động chính sách mới đưa ra các giả thuyết mang tính định tính, thuyết minh còn chung chung, thiếu dẫn chứng thuyết phục; Báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (2014) cơ bản tập trung vào các hạn chế, khó khăn và vướng mắc, chưa làm nổi bật được các mặt được trong quá trình thi hành; báo cáo rà soát các quy định của pháp luật hiện hành còn khá đơn giản và chưa thật sự chi tiết mặc dù trên thực tế có khá nhiều vướng mắc, xung đột, thiếu thống nhất;…
Về điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về điều tiết thị trường bất động sản trên cơ sở tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Theo đại biểu, các quy định về điều tiết thị trường bất động sản quy định tại Điều 86 dự thảo Luật còn chung chung, không có nội hàm chính sách cụ thể, chỉ là những nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước nói chung, vì vậy đại biểu lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng công cụ hiệu quả nhất để bảo đảm phát triển và quản lý thị trường bất động sản.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản
Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh đảm bảo thống nhất, chặt chẽ. Cụ thể, đại biểu đề nghị sửa đổi quy định rõ các trường hợp tại khoản 3 Điều 10 không phải tuân thủ điều kiện về bất động sản, dự án bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn khái niệm “kinh doanh bất động sản” tại khoản 1 Điều 3 để phân biệt rõ ràng giữa hoạt động kinh doanh bất động sản với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10.
Ý kiến ()