Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý kiến vào dự thảo luật liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, dữ liệu, công đoàn
- Ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Luật Dữ liệu; Luật Công đoàn (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn gồm có 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Trong chương trình buổi sáng, các ĐBQH đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của luật.
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều. Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cơ bản nhất trí với dự thảo, đồng thời nêu ý kiến đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: cần quy định rõ hơn về bảo đảm điều kiện hoạt động cho cán bộ công đoàn; bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong phát triển công đoàn; bảo đảm linh hoạt, hài hòa trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn;…
Phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra xem xét, cân nhắc một số nội dung như: giải thích rõ hơn cụm từ “người sử dụng lao động” quy định tại Khoản 7, Điều 4 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với phần giải thích cụm từ này được quy định tại Khoản 2, Điều 3 Bộ Luật Lao động năm 2019...
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 23) được quy định tại Khoản 5: “Có chính sách ưu tiên tuyển dụng cán bộ công đoàn chuyên trách từ nguồn cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn”. Theo đại biểu, hiện chưa có cơ chế để tuyển dụng cán bộ công đoàn, nên qua lần sửa đổi luật lần này rất mong muốn được tháo gỡ, nhưng nếu chỉ ghi chung chung như vậy sẽ khó trong triển khai thực tế. Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung thêm một khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao cho công đoàn hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung này...
*Chiều cùng ngày, Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hậu Giang, Đắk Lắk, Bắc Ninh. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tổ.
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật Dữ liệu, các ĐBQH cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo. Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn có đại biểu Phạm Trọng Nghĩa và đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu ý kiến thảo luận.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật Dữ liệu, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị ban soạn thảo bổ sung 1 điều về chính sách của Nhà nước về dữ liệu, trong đó, có quy định về ưu tiên đầu tư xây dựng dữ liệu liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; cân nhắc bổ sung quy định xác lập quyền sở hữu của chủ sở hữu dữ liệu trong luật; đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội đề xuất xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; bổ sung một số điều kiện đầu tư kinh doanh cơ bản, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định chi tiết...
Góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc nên có quy định chung về thẻ BHYT điện tử trước khi giao Chính phủ quy định chi tiết về việc sử dụng thẻ BHYT điện tử; bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT và mức hỗ trợ đóng BHYT. Đồng thời, đại biểu đề nghị biên tập, diễn đạt lại một số điều, khoản cho phù hợp và rõ nghĩa.
Ý kiến ()