Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH tỉnh dự phiên họp thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021
– Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021.
Trong chương trình buổi sáng, phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham gia ý kiến về nội dung lãng phí nguồn nhân lực. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045… Đồng thời cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến tại hội trường trong phiên họp buổi sáng
Buổi chiều cùng ngày, phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn kiến nghị thêm với Chính phủ và các cơ quan hữu quan sớm triển khai hướng dẫn sơ kết về việc thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để làm căn cứ đề xuất từng bước nhân ra diện rộng đối với những mô hình phù hợp, hiệu quả.
Đại biểu Lưu Bá Mạc phát biểu ý kiến tại hội trường trong phiên họp buổi chiều
Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu điều chỉnh lộ trình, phương án cắt giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 một cách phù hợp, linh hoạt và hiệu quả hơn, trong đó cần gắn với tình hình thực tiễn của từng địa phương trong từng năm và đảm bảo mục tiêu đủ số lượng để làm việc và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái phát biểu ý kiến liên quan đến công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công
Cũng phát biểu tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đóng góp ý kiến liên quan đến công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công để hạn chế tình trạng lãng phí nguồn nhân lực. Theo đó, đại biểu kiến nghị cần coi trọng công tác giáo dục ý thức trách nhiệm, tinh thần kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vì mục tiêu chung của đơn vị, tổ chức và cao hơn là mục tiêu chung của dân tộc, của đất nước. Cùng với đó, cần đổi mới, hoàn thiện quy định thi tuyển công chức, viên chức một cách minh bạch, công bằng ở mọi cấp, mọi ngành; xây dựng cơ chế tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý dựa trên năng lực, trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất cá nhân; tạo cơ chế để cán bộ, công chức phát huy được năng lực, sở trường, được đánh giá, ghi nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ và có cơ hội thăng tiến công bằng.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, Chính phủ cần có một chiến lược và chương trình tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công, tập trung vào kiến thức chuyên môn sâu và kỹ năng quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lao động.
Ý kiến ()