Đại biểu Quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến vào một số dự thảo luật và chính sách phát triển chính quyền đô thị tại các thành phố lớn
– Ngày 10/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về các dự thảo Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại Tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn điều hành thảo luận tổ.
Quang cảnh thảo luận tại tổ 13
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận tại tổ 13
Dự thảo Luật Đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội gồm 92 điều; quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 Chương, 81 Điều; Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011); Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều.
Thảo luận tại tổ, các ĐBQH tổ 13 cơ bản nhất trí với những dự thảo luật và các vấn đề đưa ra bàn thảo, đồng thời nêu một số nội dung liên quan.
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Phát biểu ý kiến thảo luận về Luật Đường bộ, đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 về Hệ thống giao thông thông minh thành một cụm từ khác, ví dụ như, có thể dùng là: “Hệ thống giao thông có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo”; sửa cụm từ “miền dịch vụ giao thông thông minh” thành “khu vực dịch vụ giao thông”, để đảm bảo tính rõ ràng, dễ hiểu. Đồng thời đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm là hoạt động của phương tiện có nguy cơ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 9); đề nghị rà soát kỹ thuật lập pháp Quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 15); bổ sung quy định phù hợp để yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng hoạt động của phương tiện có nguy cơ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (tại Điều 25, Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ); bổ sung thêm một loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ mà không phải xe taxi (tại khoản 7 Điều 61 Hoạt động vận tải đường bộ); bổ sung nội dung: “Chủ phương tiện chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông giữa hai kỳ kiểm định” (tại khoản 2 Điều 63 và khoản 2 Điều 67 liên quan đến quy định Vận tải hành khách bằng xe ô tô)…
Đối với Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị ban soạn thảo rà soát, xem xét, cân nhắc bổ sung thêm một khoản trong Điều 3 Giải thích từ ngữ của Dự thảo Luật để giải thích rõ từ ngữ đối với cụm từ: “địa bàn giao thông khác”, vì theo đại biểu cụm từ này tương đối rộng, cần có giải thích từ ngữ để dễ hiểu hơn, nhằm thuận tiện phục vụ cho công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.
Tại khoản 7 Điều 8 Về các hành vi bị nghiêm cấm, có quy định: “Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông”, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cụm từ “hoặc để xe” và viết lại cụ thể như sau: “Giao xe hoặc để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông”.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Phát biểu tại thảo luận tổ vào Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm đảm bảo quyền miễn thuế và tăng được thu ngân sách đối với các khoản thu bổ sung. Đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ, đầy đủ tác động của việc thực hiện ban hành nghị quyết này đối với môi trường đầu tư, bên cạnh những mặt đạt được thì cần phân tích, nêu rõ 2 nguy cơ đối với doanh nghiệp nước ngoài đang muốn đầu tư vào nước ta nhưng ưu đãi về thuế không còn nữa, cũng như khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư mới vào Việt Nam. Đồng thời cần nghiên cứu thấu đáo, phải xây dựng được và ban hành chính sách thu hút đầu tư một cách tổng thể hơn, ngoài ưu đãi về thuế ra thì cũng cần có những chính sách về hiệu quả kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Phát biểu ý kiến vào Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc giải thích, bổ sung thêm cụm từ “theo quy định của pháp luật” làm cơ sở xác định giá trị tài liệu về thời gian lưu trữ hồ sơ, tài liệu mục b, khoản 1, Điều 14; bổ sung cụm từ “các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị – xã hội và” vào khoản 2 Điều 4; từ “Đảng” vào khoản 1 Điều 5; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhà nước về lưu trữ vào khoản 3 Điều 59.
Đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại Khoản 4 (Điều 20) về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị làm rõ cơ chế thực hiện nội dung “xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở, thương mại, dịch vụ” trong quá trình thực hiện quy hoạch có thu hồi đất. Căn cứ để xác định “vùng phụ cận” để thực hiện “tái định cư tại chỗ”, đây là vấn đề phức tạp, rất khó giải quyết trong thực tiễn thực hiện Luật Đất đai trong khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, khi không được người dân chấp thuận giải phóng mặt bằng để di chuyển đến điểm tái định cư mới, nguyên nhân chính do chênh lệch về địa tô – vị trí giữa nơi cũ và nơi mới, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Do đó, cần làm rõ nội dung này, nhằm tránh khó khăn trong quá trình thực hiện.
Tại Điều 20 và Điều 29, đại biểu đề nghị xem xét quy định thẩm quyền “Ủy ban nhân dân” thành thẩm quyền của “Hội đồng nhân dân” vì số lượng các cơ sở có thể di dời thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố có số lượng lớn, việc di dời tác động đến nhiều đối tượng, bởi vậy giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố phù hợp hơn so với việc giao cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Ý kiến ()