Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước và Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam
- Sáng 5/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, với 69 ý kiến phát biểu; các ý kiến thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi đến các ĐBQH, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.
Tại phiên thảo luận ở hội trường đã có 11 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia phát biểu giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các ĐBQH quan tâm. Trong đó tập trung vào phân tích các thách thức cần phải vượt qua; bất cập, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ để đảm bảo cân đối ngân sách, hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách, chi thường xuyên, chi đầu tư năm 2024; xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách.
Trong nhiều nội dung đánh giá về khó khăn, đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Đại biểu cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn các ĐBQH về tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nêu cả nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong Báo cáo số 652 của Chính phủ cũng cho thấy, công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số luật liên quan để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nói chung, công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án; người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt.
Đại biểu nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo rà soát để xem xét tăng thêm tuổi nghỉ hưu đối với cấp Đại tá và cấp tướng nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ Luật Lao động.
Đồng thời đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Công an nhân dân để bảo đảm tính thống nhất về thẩm quyền của Chính phủ quy định quân hàm cấp Trung tướng, Thiếu tướng trong lực lượng vũ trang.
Đối với quy định về biệt phái, theo Báo cáo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Quốc phòng có gần 400 sĩ quan biệt phái đang công tác tại 69 cơ quan của Trung ương và các cơ sở giáo dục của bộ, ngành, địa phương, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái.
Đối với cán bộ tình báo và người cộng tác với lực lượng tình báo thuộc Bộ Quốc phòng, đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật một số nội dung mang tính chất nguyên tắc về chính sách ưu đãi đặc thù đặc thù như: tiền lương, tiền thưởng, thăng tiến, chăm sóc gia đình, chế độ với thân nhân..., từ đó giao Chính phủ quy định chi tiết.
Về hiệu lực thi hành, theo quy định, dự án luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trình tự thủ tục rút gọn, do đó, đề nghị xác định sớm thời gian có hiệu lực thi hành của luật.
Ý kiến ()