Đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự án luật liên quan đến công nghệ số, quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 23/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm 5 đại biểu do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia thảo luận cùng tổ với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Phát biểu ý kiến tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, xem xét để đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật và các luật hiện hành, cũng như các dự báo, đánh giá tác động trong quá trình xây dựng luật này. Đồng thời đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung phạm vi đưa các loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vào để quản lý.
Đại biểu cũng tán thành quan điểm về xây dựng luật, trong đó có quan điểm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; tách bạch phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; không can thiệp trực tiếp vào hoạt động và sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một khoản hoặc một điều quy định về doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp này thuộc loại hình sẽ là một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, có cơ chế hoạt động riêng, đặc thù, chi tiết chức năng nhiệm vụ và hoạt động của loại hình doanh nghiệp này do Chính phủ quy đinh.
Tại điều 6 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quyết định đầu tư vốn không phù hợp với chiến lược quy hoạch, kế hoạch vì phạm vi của chiến lược quy hoạch, kế hoạch rộng, chưa cụ thể nên khó xác định áp dụng vào thực tế. Ngoài ra, các quy định này không phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp và chưa dự liệu được hết các trường hợp đầu tư theo chỉ định vì mục tiêu chính trị xã hội.
Tại điều 12 của dự thảo luật, đại biểu cũng đề nghị rà soát lại quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp để đảm bảo không chồng chéo giữa quyền và nhiệm vụ của doanh nghiệp với quyền và nhiệm vụ của người đại diện chủ sở hữu và phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.
Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát với các luật khác liên quan để tránh trùng lặp; áp dụng pháp luật đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về khái niệm “tài sản số”, đại biểu cho rằng cần thể hiện đầy đủ 3 đặc điểm pháp lý của tài sản số, bao gồm: một cái gì đó (vô hình hoặc hữu hình); có thể chịu sự quản lý và kiểm soát được sự tồn tại của chúng (nếu là vật vô hình) hoặc chiếm hữu/sở hữu được (nếu là vật hữu hình) và có giá trị trao đổi. Đại biểu đề nghị rà soát khái niệm tài sản số theo quy định về tài sản theo Điều 105 Bộ luật Dân sự nhằm đảm bảo phù hợp với khái niệm về tài sản đã được nêu trong bộ luật này.
Về công nghiệp công nghệ số, đại biểu cho rằng, để đảm bảo tính đồng bộ, bên cạnh việc xây dựng điều khoản ưu đãi thuế, tiền thuê đất tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đề nghị cần chủ động trình bổ sung các nội dung ưu đãi tương ứng với Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang được trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
Về công nghiệp bán dẫn, dự thảo luật đưa ra nhiều quy định tạo cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán dẫn và tiếp cận theo hướng doanh nghiệp bán dẫn và các doanh nghiệp trong chuỗi phụ trợ. Tuy nhiên, chuỗi giá trị ngành bán dẫn là toàn cầu và Việt Nam có thể chỉ là một mắt xích trong chuỗi giá trị này. Vì vậy, các quy định hỗ trợ nên tiếp cận thêm theo hướng tạo thuận lợi để một doanh nghiệp/một nhà máy đặt tại Việt Nam có thể dễ dàng cung ứng cho các nhà sản xuất nước ngoài. Đồng thời trong dự thảo luật, các quy định điều chỉnh cần được so sánh với quy định của các quốc gia đang cạnh tranh trực tiếp với nước ta trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu cho rằng cần chú trọng phát triển tại doanh nghiệp, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó chú trọng đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực công nghệ số là nữ giới.
Về trí tuệ nhân tạo (AI), đại biểu đề nghị cần đặc biệt lưu tâm đến quyền và lợi ích của các nhóm đặc thù, nhóm yếu thế trong tiếp cận không gian số (ví dụ như người già, người khuyết tật…) nhằm đảm bảo quyền được từ chối sử dụng AI cho những nhóm người này. Cùng đó quan tâm địa vị pháp lý của AI; trách nhiệm pháp lý của chủ AI; cân nhắc ban hành Quy tắc đạo đức AI và Quy định kiểm soát thuật toán; bổ sung quy định về kiềm chế, hạn chế rủi ro để Việt Nam không trở thành nơi thử nghiệm của những của những sản phẩm AI nguy cơ rủi ro cao.
Cũng cho ý kiến vào dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề cập đến vấn đề nguồn nhân lực công nghệ số và cho rằng, quy định ngành nghề mới về công nghệ số, hoạt động đào tạo về công nghệ số chưa rõ ràng, nên có thể sẽ khó triển khai trên thực tế vì liên quan đến chính sách hỗ trợ, chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư cần có đối tượng cụ thể, không rõ cơ sở giáo dục nào đáp ứng được tiêu chuẩn gì để được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nhóm ngành nghề, tiêu chuẩn được hỗ trợ.
Tương tự, nội dung hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số, trong dự thảo luật doanh nghiệp công nghệ số được ưu tiên, hỗ trợ nhiều chính sách, tuy nhiên tiêu chuẩn, tiêu chí để doanh nghiệp được hỗ trợ chưa rõ, không có quy định nào liên quan đến việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số, do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng hơn.
Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH nghe báo cáo và biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Ý kiến ()