Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và Luật Việc làm (sửa đổi)
- Chiều 9/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh họp phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk. Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 50 điều, quy định về hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.
Dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 của Chính phủ, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Phát biểu ý kiến thảo luận tổ về Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo xem xét nghiên cứu bỏ từ tối đa thời gian nghỉ hè hằng năm của nhà giáo là 8 tuần và nên giao cho cơ sở giáo dục quyết định; xem xét điều chỉnh thời gian bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo từ 12 tháng tăng lên 36 tháng, bởi vì như vậy mới khuyến khích được các thầy cô có trình độ, năng lực về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục; nghiên cứu quy định mở hơn, linh hoạt hơn đối với trường hợp thuyên chuyển đến cơ sở giáo dục đang thiếu giáo viên để góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay; cần có chính sách thu hút giáo viên đến công tác, giảng dạy ở khu vực biên giới;…
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái, hiện nay đang có 6 luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo, gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung giải thích khái niệm "Nhà giáo" để xác định rõ địa vị pháp lý trong luật; quy định rõ về các đối tượng hưởng chính sách thu hút nhà giáo để tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế; cần có tiêu chí cụ thể xác định người có tài năng, người có trình độ cao, người có năng khiếu đặc biệt làm nhà giáo; giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chăm sóc y tế cho bản thân và gia đình của giáo viên "cắm bản"; xem xét ưu đãi lúc vào ngành và sau khi hoàn thành nhiệm vụ; tăng cường chính sách cử tuyển ngành sư phạm; đề nghị trong luật cần có quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nhà giáo.
Ý kiến ()