Đại biểu Quốc hội thảo luận một số luật liên quan đến quảng cáo, dữ liệu, hóa chất và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Sáng 8/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất (sửa đổi); chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Luật Dữ liệu.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm 5 đồng chí do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bố cục gồm 3 điều, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Dự án Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 9 chương, 89 điều (giảm 1 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất.
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai, tiếp tục thực hiện các nội dung mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.
Cùng đó tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phát biểu ý kiến tại hội trường về Luật Dữ liệu, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo để người dân ở đây có thể truy cập, khai thác dữ liệu, góp phần thu hẹp khoảng cách số; nghiên cứu bổ sung quy định thế nào là dữ liệu cá nhân. Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất để trình Quốc hội dự án luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc luật về bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả dữ liệu cá nhân; bổ sung quy định về khái niệm/ định nghĩa Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của trung tâm này; quy định cụ thể hơn về hợp tác quốc tế của Trung tâm dữ liệu quốc gia hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo luật một số điều kiện đầu tư kinh doanh cơ bản trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc đăng ký, quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, cho doanh nghiệp.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Ý kiến ()