Đại biểu Quốc hội: Siết chặt kỷ cương về tiết kiệm, chống lãng phí
Đại biểu Si Hương, đoàn Gia Lại đề nghị hội đồng nhân dân cần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát ngay tại địa phương đồng thời kiến nghị các giải pháp để khắc phục bất cập trên địa bàn.
Mặc dù kết quả hoạt động giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bước đầu đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, tạo chuyển biến tích cực ngay trong quá trình triển khai, thực hiện, đồng thời siết chắt kỷ luật, kỷ cương trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đây cũng là nội dung chính được đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 31/10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Dự án treo còn khá phổ biến
Theo báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp.
Đáng giá kết quả thực hiện, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát), cho biết kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng chú ý, sử dụng ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Theo đó, tổng thu và quy mô thu ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2016-2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015.
Trong khi cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020…
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được tăng cường và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Dù vậy, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội cũng nêu nhiều tồn tại trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.
Đơn cử, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm; giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm; công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập.
Đáng chú ý, nhiều dự án còn chậm tiến độ, trong đó hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.
Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016-2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch.
Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí.
Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí; Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở…
Ông nhấn mạnh, việc quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương mà đoàn giám sát làm việc đã có 1.739 công trình, dự án được ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha.
“Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế. Việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững,” ông Cường nói.
Chỉ đúng những tồn tại, tránh chung chung
Đánh giá việc thực hiện công tác này, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đăk Nông) cho biết bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế như nhận thức của người đứng đầu, công tác thống kê cập nhật biến động chưa kịp thời.
Ngoài ra, việc quản lý đất công nhà công chưa chặt chẽ để người dân lấn chiếm, sử dụng nhưng chậm được xem xét, xử lý theo quy định. Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
“Hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước,” bà Phạm Thị Kiều nói.
Còn theo đại biểu Siu Hương (đoàn Gia Lai), qua báo cáo giám sát, nhiều địa phương còn vi phạm trong sử dụng ngân sách Nhà nước, quản lý tài sản công, đất đai… do vậy bà đề nghị hội đồng nhân dân cần nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả công tác giám sát ngay tại địa phương, kiến nghị các giải pháp để khắc phục bất cập trên địa bàn.
Nữ đại biểu đoàn Gia Lai cũng đề nghị đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các chương trình giảng dạy nhằm giáo dục học sinh, sinh viên ý thực tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Cùng ý kiến này, song đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị làm rõ về việc lãng phí tại khu vực công, nhất là trong việc thất thu thuế hay nhiều dự án chậm tiến độ.
Bà Nga cho rằng, căn nguyên sâu xa là do lối sống thực dụng, ích kỷ, chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân, không vì cái chung và tập thể của một bộ phận cán bộ, công chức. Do vậy, bà đề nghị bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật và giám sát thì cần chú trọng nâng cao ý thức, đạo đức, chú trọng lối sống văn minh tại các cơ quan, đơn vị.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, từ đó đánh giá đúng mức đóng góp của khoa học công nghệ đối với phát triển kinh tế-xã hội đồng thời hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ.
“Cùng với cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành cần gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước với các nguồn lực xã hội để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội,” đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến./.
Ý kiến ()