Đại biểu Quốc hội mong kết luận kiểm tra giá điện sớm được công bố
Đại biểu Quốc hội cho rằng EVN và cơ quan quản lý hay so sánh giá điện Việt Nam thấp so với các nước nhưng nếu chỉ so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào là khập khiễng.
Việc tăng giá điện gây nóng trên nghị trường Quốc hội sáng 30/5 khi nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tác động của sự điều chỉnh này.
Cần minh bạch giá điện
Là người đầu tiên phát biểu sáng 30/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang cho rằng, Bộ Công Thương trước đó đã có tờ trình về tình hình giá điện, giá xăng dầu và khẳng định bộ này làm đúng.
Tuy nhiên, ông lấy ví dụ từ mình và cho hay: “Bản thân tôi là bác sỹ, cho dù phác đồ đúng nhưng bệnh nhân không tốt lên thì tôi cũng phải xem xét lại. Nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai có thể sai. Lúc này phải dừng lại suy xét, không bảo thủ, duy ý chí không che giấu sai lầm.”
Từ đó, theo ông, khi nhiều người dân phản ứng, bức xúc, Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm trong phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát của mình.
“Phải chăng nguồn gốc sâu xa là có việc độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong việc mua bán, truyền tải điện,” vị này đặt nghi vấn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận thì bày tỏ: “Từ thuở khai sinh ngành điện, giá điện theo quy trình bất biến là tăng. Người dân ủng hộ chủ trương về giá điện nhưng cái họ cần là công bằng, minh bạch và hợp lý.”
Theo ông, người dân có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện có phải chỉ là 8,36% bởi giá điện thực tế nhiều người phải trả gấp 2, gấp 3.
Vị này nêu ý kiến theo ông là đáng suy nghĩ đã được nêu trong một buổi tiếp xúc cử tri ngay trước kỳ họp Quốc hội: “Cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân nâng cao, ấy vậy mà mức tiêu dùng điện thì duy trì ở mức thấp, tối thiểu là 50-100kWh. Mức này chỉ phù hợp với hộ gia đình nghèo, ở vùng khó khăn. Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá.”
Theo ông, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) và cơ quan quản lý hay so sánh giá điện Việt Nam thấp so với các nước nhưng đại biểu khẳng định, nếu chỉ so sánh đầu ra mà không so sánh đầu vào là khập khiễng.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc, đoàn Bình Thuận cũng nêu lên mối lo này. Bà dẫn ý kiến cử tri cho rằng, tăng giá điện thời điểm này là không phù hợp.
“Mặc dù việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán và trong lộ trình nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện đúng quy định không, sai thì xử lý ra sao,” đại biểu Nguyễn Thị Phúc nêu lên.
Lo ảnh hưởng lạm phát
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn Cà Mau thì nêu quan điểm khác. Theo ông, vấn đề ông quan tâm phải tăng giá điện đúng quy định hay không.
“Chính phủ điều hành thì không thể nào không đúng nhưng Chính phủ cần dự báo, đánh giá việc tăng giá điện ảnh hưởng sao tới phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng thế nào tới đời sống người dân,” ông nói.
Ông bày tỏ lo lắng, trong khi lương cán bộ, công chức, viên chức không tăng thì hàng loạt chi phí thiết yếu thay đổi sẽ ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu lại tỏ ra băn khoăn về thực hiện mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm nay. Theo bà, lạm phát quý 1 chưa đáng lo ngại nhưng từ nay tới cuối năm còn nhiều vấn đề phải quan tâm, đặc biệt là giá điện, giá xăng dầu.
Vị đại biểu cho rằng, giá điện, xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng và từ đó tác động nhiều vòng tới kinh tế, xã hội đặc biệt là những ngành tiêu tốn năng lượng như thép, xi măng, vận tải,…
“Giá điện tăng tháng Ba, tháng Tư đã ảnh hưởng rồi. Từ nay tới cuối năm, còn tác động khách quan là giá dầu thô đang lên tới 70 USD/thùng, dịch bệnh bùng phát,” bà Yến nêu lên lo lắng.
Ngoài ra, vấn đề vị này quan tâm là giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ tăng ở thời điểm nào. Bà kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quyết định việc tăng tăng giá các dịch vụ trên hợp lý để kiềm chế lạm phát./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()