Đại biểu Quốc hội kỳ vọng Chính phủ mới có những đột phá chiến lược
Trong nhiệm kỳ tới, các đại biểu Quốc hội kỳ vọng Thủ tướng vừa kế thừa, phát huy các thành tựu của nhiệm kỳ trước, vừa có giải pháp căn cơ, quyết liệt, hữu hiệu hơn để giải quyết thách thức mới.
Chiều nay 5/4, Quốc hội sẽ tiến hành bầu tân Thủ tướng. Các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ về những kỳ vọng dành cho Thủ tướng và Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Kế thừa và phát triển thành quả
Đặt ra những vấn đề kinh tế mà Chính phủ nhiệm kỳ mới cần quan tâm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng Chính phủ tiền nhiệm đã thành công trong việc kiểm soát nợ xấu. Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cán cân thương mại nhập siêu chuyển sang xuất siêu đã minh chứng cho thấy thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế và là cơ sở quan trọng để bình ổn tỷ giá, điều hành tiền tệ và đảm bảo các quan hệ thanh toán quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc, xuất siêu lại nghiêng về các nước ở thị trường phát triển, ví dụ như xuất siêu sang Mỹ tăng cao.
“Điều này đặt ra nhiệm vụ cho Chính phủ nhiệm kỳ tới phải chú trọng điều hành các quan hệ xuất, nhập khẩu giữa các thị trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập hàng hóa nguyên liệu từ thị trường khu vực để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường phát triển như Mỹ và EU. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp hữu hiệu khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được thực thi,” đại biểu Hoàng Văn Cường.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận định nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua đã có những biện pháp rất mới và sáng tạo để từ đó có những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những tồn tại, đó là việc tạo sự phát triển đồng bộ giữa các thành phần kinh tế, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt là làm sao để khơi dậy mảng kinh tế tư nhân để giúp cho sự phối hợp kinh tế Nhà nước; kinh tế tư nhân đảm bảo các dự án lớn được thực hiện nhanh chóng, góp phần giảm việc phải chi tiêu ngân sách Nhà nước.
“Sang nhiệm kỳ mới vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức của nhiệm kỳ này đặt ra. Tôi nghĩ ở nhiệm kỳ tới, Thủ tướng phải gánh trên hai vai: Một là kế thừa, phát huy các thành tựu của nhiệm kỳ này để duy trì và phát triển nhưng đồng thời cũng phải có những giải pháp hữu hiệu, căn cơ, mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa để từ đó thực hiện tốt những mục tiêu kinh tế, chính trị xã hội của nhiệm kỳ này theo nghị quyết mà Quốc hội đặt ra cũng như Chính phủ đang thực hiện…,” đại biểu Nguyễn Văn Chiến nói.
Đột phá về xây dựng thể chế
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Thủ tướng chính là người ‘thuyền trưởng’ chèo lái con thuyền, phải biết quần tụ tất cả các thành viên đi cùng một hướng; nếu mỗi người chèo một hướng thì ‘con thuyền’ sẽ quay ngang, thụt lùi, thậm chí bị lật. Đây là vai trò quan trọng, do đó người đứng đầu phải là người có tầm nhìn hơn, quyết liệt hơn, quyết đoán hơn để dẫn dắt được mọi người. Tôi rất kỳ vọng vào tân Thủ tướng.”
Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19 và khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ: Trọng Đức/TTXVN)
Mong muốn vào Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tạo ra ra những đột phá chiến lược về xây dựng thể chế hiệu quả hơn, đại biểu Đỗ Văn Sinh chỉ ra rằng Chính phủ đã đánh giá một số việc trong thời gian qua chưa chủ động; nhiều chương trình, dự án phải thay đổi, điều chỉnh… Do đó, chất lượng xây dựng dự án của Chính phủ nhiệm kỳ tới về mặt nội dung cần được nâng cao, thời gian phải kịp thời.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng trong quá trình thực hiện ở các văn bản dưới luật còn chồng chéo, thậm chí trái với quy định pháp luật đây là vấn đề Chính phủ nhiệm kỳ tới cần khắc phục. Khi có luật thì Chính phủ phải làm sao ban hành các văn bản dưới luật kịp thời, từ nghị định, thông tư đến hướng dẫn của các Bộ, ngành để tránh khoảng trống pháp lý…
Trong thời gian vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổng hợp đưa ra 24 vấn đề vướng mắc với doanh nghiệp chuyển sang Quốc hội rà soát lại, trong đó có đến 20 vấn đề chỉ liên quan đến chồng chéo, vướng mắc văn bản dưới luật từ nghị định trở xuống, chỉ có 4 vấn đề liên quan đến luật. Để giải quyết những vấn đề này, trong nhiệm kỳ vừa rồi, Quốc hội đã sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… Rõ ràng, vấn đề ở đây chủ yếu là việc xây dựng các văn bản dưới luật của Chính phủ.
Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã phát hiện 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Thế nhưng, chỉ mới có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, số lượng này còn thấp.
“Tổ chức thực thi luật chưa đúng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí khiếu kiện rất nhiều. Trong cả một quá trình xây dựng luật, tất cả các khâu đều rất quan trọng, do đó tôi cho rằng ở từng khâu, từng cấp phải thực hiện cho tốt,” đại biểu Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.
Đại biểu Hồ Thanh Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội An Giang kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ tới khi xây dựng chính sách thì phải tập trung lưu ý hơn nữa đến vấn đề phòng ngừa, đặc biệt là vấn đề xử lý để đảm bảo sức khỏe người dân.
“Cần có ngân sách, vốn, nhân lực để đầu tư cho việc phòng ngừa. Ví dụ như đầu tư cho nông nghiệp an toàn để cho người dân hiểu biết vấn đề đó, đầu tư giải quyết, xử lý các vấn đề môi trường… Khi làm tốt công tác phòng ngừa sẽ giảm được số tiền phải đầu tư cho việc xử lý các vấn đề sau,” đại biểu Hồ Thanh Bình nói./.
Ý kiến ()