Đại biểu Quốc hội: "Kết quả ngành giáo dục là điểm kém sáng nhất"
“Chúng ta luôn nói giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đánh giá về hiệu quả trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, một trong những lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm là giáo dục.
Cho rằng giáo dục trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định nhưng các đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về các tồn tại, hạn chế của lĩnh vực này.
“Giáo dục vẫn đi một cách lưng chừng”
Theo báo cáo của Chính phủ, trong nhiệm kỳ vừa qua, giáo dục có sự tiến bộ ở tất cả các cấp học, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động. Tuy nhiên, đại biểu Tô Thị Bích Châu, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đến thời điểm này những nỗ lực về giáo dục đào tạo vẫn đi một cách lưng chừng, có chuyển động về phía trước nhưng kết quả còn hạn chế.
“Cho đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu ngừng lại của học sinh tiểu học mà phải đi học thêm,” đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh nhận định giáo dục còn tồn tại quá nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc. Những tiêu cực của ngành giáo dục phải được chỉ rõ ra, có người chịu trách nhiệm.
Cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên, bày tỏ trăn trở về vấn đề giáo dục. Theo bà Hiền, sự cố xã hội hóa sách giáo khoa trong năm vừa qua là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách.
“Trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai của các bộ sách vẫn chưa được rõ ràng, minh bạch thì đến những ngày gần đây, dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên, về sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ sách giáo khoa,” bà Hiền nói.
“Có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư, trăn trở gửi đến tôi ở kỳ họp cuối cùng này. Họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu sự tác động về các quy định liên quan của ngành giáo dục. Quốc hội chất vấn thì Bộ trưởng, Chính phủ trả lời, trả lời nghĩa là nói, nói phải đi đôi với làm. Xin đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ miệt mài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác,” đại biểu tỉnh Phú Yên bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn đại biểu Quốc hội An Giang cho rằng giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ chưa được chú trọng đúng mức. “Giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém sáng nhất trong bức tranh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021,” ông Hiếu thẳng thắn.
Cần tập trung hơn cho giáo dục
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của lĩnh vực giáo dục, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục trong nhiệm kỳ tới. “Nhìn vào thực tế này, rất mong Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế – hai trụ cột của an sinh xã hội – để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mạnh khỏe,” đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, giáo dục và đào tạo cần phải giữ vững vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc xây dựng, kiến tạo xã hội. Thế hệ hiện tại và tương lai cần phải được giáo dục và rèn luyện kỹ càng để có thể vượt qua những thách thức và biến động lớn lao. Vì vậy, sứ mệnh mới của giáo dục phải hướng đến việc rèn luyện cho học sinh, sinh viên có khả năng thích ứng, linh hoạt, kỹ năng số thuần thục, kích hoạt năng lực phối kết hợp, nâng cao ý thức tự giác về nghĩa vụ, không chỉ là nghĩa vụ mang tính chất cá nhân đơn thuần mà là nghĩa vụ giữa cá nhân với xã hội. Nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đó chính là trao quyền và tôn trọng sự sáng tạo, là khai phóng sức mạnh nội lực con người.
“Tôi mong Chính phủ và các nhà quản lý điều hành lĩnh vực này hãy sử dụng sức mạnh của những bộ óc thông tuệ, trí tâm, tử tế để có những quyết sách đúng đắn, phù hợp, nhân văn. Suy cho cùng, đổi mới giáo dục bắt đầu từ đổi mới tư duy trong quản lý giáo dục,” đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ.
Cần quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục cũng là kiến nghị của đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. “Giáo dục phải được đặc biệt quan tâm hơn để bảo đảm giáo dục những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội,” đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Quách Thế Tản, đoàn Hoà Bình chỉ ra ba nội dung Chính phủ nhiệm kỳ tới cần quan tâm thực hiện liên quan đến giáo dục. Thứ nhất là việc chỉ đạo sát sao hơn nữa, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa Luật Giáo dục năm 2019, nhất là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề biên soạn, sử dụng sách giáo khoa sao cho thiết thực và có hiệu quả. Thứ hai là quan tâm hơn nữa việc giáo dục toàn diện, nhất là về đạo đức của học sinh trong và ngoài nhà trường. Thứ ba là Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các Nghị quyết, các Quyết định của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục phổ thông, về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên đất nước ta. Vừa qua Ban Bí thư có Kết luận số 49 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 489 ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận 49 của Ban Bí thư. Có thể nói kế hoạch rất đầy đủ và giải pháp cũng khá rõ ràng, song tôi tha thiết đề nghị Chính phủ tăng cường khâu tổ chức thực hiện, trong đó có việc kiểm tra, đôn đốc, tạo những điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực để thực hiện quyết định có ý nghĩa này,” đại biểu Quách Thế Tân nói./.
Ý kiến ()