Đại biểu Quốc hội góp ý về tình hình kinh tế - xã hội
Sáng 30-10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Nhiều đại biểu đã đưa ra những ý kiến cụ thể về kiểm soát nợ công, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát vốn ODA, và bổ sung các chỉ tiêu kinh tế - xã hội một cách hợp lý hơn…
NDĐT – Sáng 30-10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Nhiều đại biểu đã đưa ra những ý kiến cụ thể về kiểm soát nợ công, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát vốn ODA, và bổ sung các chỉ tiêu kinh tế – xã hội một cách hợp lý hơn…
Đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài
Là người mở đầu cho phiên thảo luận kéo dài ba buổi về tình hình kinh tế – xã hội, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện bốn vấn đề. Theo đó, đại biểu này đề nghị tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài; kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông dòng vốn trong kinh tế cũng như việc điều hành linh hoạt thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô.
Đề nghị thứ hai là Chính phủ tính toán cân đối trình QH cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ dành riêng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời chỉ đạo tăng cường nguồn huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm đầu tư công; thực hiện tăng đầu tư ngân sách.
Thứ ba, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là chương trình trọng điểm quốc gia nhằm hình thành một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ khu vực để phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Do đó thực hiện chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là hoàn toàn phù hợp cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, nếu để chậm trễ sẽ bỏ mất cơ hội lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì vậy đại biểu đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cho thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để Chính phủ có kế hoạch, thời gian đưa ra lộ trình triển khai và tập trung thu hút vốn từ nước ngoài. Đề nghị này cũng được một số đại biểu khác đồng tình.
Thứ tư, đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân sông Đà năm 2009-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do đó đề án không thể hoàn thành theo kế hoạch. Mặt khác, do chế độ chính sách có sự thay đổi, một số nội dung của đề án không còn phù hợp với tình hình thực tế đã được Quốc hội, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của đề án. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy đời sống nhân dân khu vực này còn rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy cử tri và nhân dân ở đây mong muốn Thủ tướng xem xét sớm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và đưa vào kế hoạch giai đoạn 2016-2020 để đề án nhanh chóng được triển khai góp phần giúp người dân khu vực chuyển dân lòng hồ Sông Đà làm thủy điện vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ngang bằng với cuộc sống người dân những khu vực xung quanh.
Chỉ tiêu giường bệnh không phản ánh thực trạng ngành y
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang – ảnh trên), thực hiện chỉ tiêu trong Nghị quyết Quốc hội có khá nhiều chỉ tiêu đạt được, tuy nhiên về giường bệnh không phản ánh được thực tế công tác y tế của chúng ta.
Trong báo cáo của Chính phủ có hai chỉ tiêu chúng ta đạt được là chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em và chỉ tiêu giường bệnh. Về chỉ tiêu giường bệnh, trong những năm vừa qua thì Đảng và nhà nước đầu tư khá nhiều nguồn tiền như trái phiếu để xây dựng các bệnh viện. Tuy nhiên vấn đề giường bệnh hiện nay vẫn quá tải. Mặc dù tỷ lệ giường bệnh của chúng ta rất là thấp so với thế giới nhưng bệnh viện tuyến huyện chỉ sử dụng 40 đến 50% công suất, còn bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh thì đa số là quá tải.
“Xem ra chỉ tiêu 23 giường bệnh trên một vạn dân của Đảng nhà nước không ăn nhập gì với thực tế. Vì thế, đề nghị nên thay chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu bảo hiểm y tế. Vì bảo hiểm y tế là thể hiện sự cố gắng của Đảng, Nhà nước dành tiền mua BHYT cho dân, sự vận động của các địa phương và sự tham gia tích cực của người dân. Nó phản ánh đúng được thực tế của công tác y tế, chăm sóc sức khỏe hiện nay”, đại biểu Tiên nói.
Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên là chúng ta phải cải tiến ngay việc tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân cùng với việc tăng cường năng lực khám chữa bệnh của tuyến dưới và điều này phải được quy định bằng luật hoặc văn bản của Bộ Y tế.
Cần quyết sách đúng để tăng trưởng cao trở lại
“Đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng tăng dần. Nhưng nhìn về tiềm năng với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, dân số 90 triệu người, tình hình chính trị ổn định…, nhưng tăng trưởng trong bốn năm qua chỉ khoảng 5,7% là dưới tiềm năng.
“Đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng”, đại biểu Ngân nói.
Đồng tình với mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% nhưng đại biểu cho rằng cần tăng tổng vốn đầu tư từ 30% lên 32% GDP.
Về giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh… Bên cạnh đó, cần chú ý an dân trong cuộc sống, an tâm trong chữa bệnh, an toàn trong giao thông, thực phẩm.
Đề nghị Quốc hội giám sát ODA
Trong phần phát biểu của mình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên – ảnh trên) đề nghị Quốc hội trong năm 2015 giám sát việc quyết định, quản lý và sử dụng vốn ODA.
Theo bà Lê Thị Nga, qua hơn 20 năm Việt Nam đã thu hút 78 tỷ USD vốn ODA, bình quân 3 tỷ USD/ năm. Chính phủ đã rất nỗ lực trong sử dụng nguồn vốn này và kết quả là đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí vi phạm và tội phạm, thất thoát, tham nhũng trong nhiều dự án làm mất uy tín của Việt Nam với nhà tài trợ. Điển hình là các vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danira Đan Mạch 2012, vụ JTC đường sắt gần đây…
“Đáng lưu ý khi có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát nhưng tiêu cực lại chỉ được phát hiện từ phía nước ngoài”, bà nói.
Đại biểu Lê Thị Nga cũng phân tích một số nguyên nhân.Về hành lang pháp lý, ODA chủ yếu được điều chỉnh bởi nghị định 38 CP/2013, quyết định của Thủ tướng, hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương và quy định của nhà tài trợ. Các quy định này phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp, lại vừa có khả năng thực hiện tùy nghi.
Việc “bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình” trong nghị định 38 mới chỉ dừng ở nguyên tắc mang tính tuyên ngôn, chưa cụ thể hóa hết vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn tình trạng xin – cho, “cò” dự án, tiêu cực, tham nhũng.
Đáng lưu ý, theo bà Nga: pháp lý về ODA bộc lộ hai điểm yếu rất cơ bản là: Quốc hội – người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân – chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng – gần như đứng ngoài quy trình ODA.
“Tôi đề nghị Quốc hội ban hành luật về sử dụng ODA trong đó quy định chặt chẽ về tiêu chí chấp nhận vốn ODA, công khai minh bạch toàn bộ số vốn, công khai dự án và quy trình phân bổ, buộc phản biện độc lập trước khi quyết định phân bổ vốn. Quy định về trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, báo chí, mặt trận và hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định thực thi vốn ODA”, bà Nga đề xuất.
Bà Lê Thị Nga cũng cho rằng, ODA là một phần của nợ công và đầu tư công có tác động đến vị thế và uy tín quốc gia, nhưng những năm qua cả về thực tiễn và pháp lý, trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA vẫn chưa được coi trọng. Thực tế là 20 năm qua xảy ra không ít vụ việc gây chấn động về dư luận nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là cơ quan của Quốc hội phụ trách về kinh tế về ngân sách nhưng Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính của Quốc hội chưa lần nào giám sát về thực hiện vốn ODA.
Theo bà Nga, đây là một nguyên nhân không nhỏ khiến việc sai phạm sử dụng vốn ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên ngưỡng sát mất an toàn. Bà Nga đề nghị QH tiến hành giám sát ODA chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan cả ở trong nước và nước tài trợ. Phân tích những mặt lợi và bất lợi trọng ODA từ đó đề ra những chiến lược, sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()