Đại biểu Quốc hội đề xuất quyên góp giúp người khuyết tật
Trong phiên thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật chiều 24-11, đại biểu Quốc hội đề nghị có một cuộc quyên góp của các đại biểu dành cho người khuyết tật nhân dịp phê chuẩn Công ước và cho rằng đây là một việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, ở Việt Nam người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, do điều kiện kinh tế khó khăn nên việc tạo điều kiện cho người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm triển khai nhiều chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu của người khuyết tật. Nhưng sự quan tâm chưa đạt như mong muốn.
Theo đại biểu Cương và các ý kiến phát biểu sau đó, điều quan trọng là làm thế nào nâng cao ý thức để tất cả mọi người quan tâm đến người khuyết tật.
“Các đại biểu Quốc hội đều đồng tình nhấn nút phê chuẩn công ước, nhưng các điều khoản công ước không biết sẽ được thực hiện như thế nào khi chúng ta không bảo lưu một điều nào. Tuy nhiên điều mà các đại biểu quan tâm là quyền trong công ước được Việt Nam thực thi như thế nào sau khi Quốc hội phê chuẩn”, đại biểu Cương nói.
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ khóa 13, Quốc hội còn xem xét số lượng lớn các dự án luật, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đề nghị các cơ quan bổ sung vào các dự án luật trước khi trình Quốc hội các điều khoản liên quan đến quyền lợi của người khuyết tật, tránh tình trạng công ước đã được phê chuẩn nhưng chưa chuẩn bị luật hóa để thực thi trong nước.
Đại biểu này cũng đề nghị sau khi Quốc hội phê chuẩn, Thủ tướng Chính phủ cần phê duyệt kế hoạch thực hiện công ước.
Nhân việc Quốc hội thông qua việc phê chuẩn công ước về người khuyết tật, trước khi kết thúc kỳ họp thứ 8, đại biểu Cương cũng đề nghị Quốc hội có một cuộc quyên góp dành cho người khuyết tật. “Tôi cho rằng đây là một việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại nhiều ý nghĩa”, đại biểu này nói.
Thiếu các quy định bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) cho rằng, các quyền của người khuyết tật trong hệ thống pháp luật Việt Nam đều tương thích với công ước. Nhưng có một số điều chưa được quy định chi tiết.
Có thể nói công ước của Liên hợp quốc về người khuyết tật là công ước hoàn thiện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Về khái niệm người khuyết tật, đại biểu Hoàn đề nghị sửa đổi tất cả những thuật ngữ người tàn tật thành người khuyết tật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đối chiếu về quyền được tôn trọng và không bị lạm dụng của người khuyết tật được công ước quy định, đại biểu Hoàn cho rằng các quyền này đã được bảo đảm bởi các văn bản pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền trẻ em khuyết tật tật được sống với gia đình hay gia đình thay thế và có hệ thống chăm sóc hỗ trợ bảo đảm trẻ em khuyết tật sống an toàn trong cộng đồng như yêu cầu của Công ước là chưa được đáp ứng. Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể chuyên biệt về vấn đề này. Đại biểu Hoàn đề nghị phải nghiên cứu bổ sung nội dung này trong Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em và những văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Về việc làm, cần bổ sung quy định doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật cần được hỗ trợ và bảo đảm nơi làm việc hợp lý, tạo điều kiện cho người khuyết tật.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đại biểu đoàn Quảng Ninh) cho rằng việc gỡ bỏ kỳ thị của xã hội với người khuyết tật mới quan trọng. Và việc tuyên tuyền phổ biến nội dung công ước và pháp luật liên quan là rất quan trọng và cần tiến hành thường xuyên, kịp thời.
Đồng tình với đại biểu Hoàn về quyền của trẻ em khuyết tật, đại biểu Thích Thanh Quyết cho rằng, nếu trẻ em khuyết tật không được đi học thì khó kiếm được công ăn việc làm sau này. Cần có sự bảo đảm cho người khuyết tật được tham gia học tập mà không bị phân biệt đối xử. Lấy giáo dục hòa nhập là phương thức chủ yếu thay vì phương thức giáo dục chuyên biệt…
Chiều nay, Quốc hội cũng thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()