Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát chặt chẽ thuốc lá thế hệ mới
Chiều 11/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, một trong những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi là về thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Nhấn mạnh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khỏe con người, nhất là đối với thanh thiếu niên, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng đánh giá về thực trạng và nêu giải pháp kiểm soát tình hình này.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho biết, Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của thuốc lá thế hệ mới.
Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Y tế thông tin về thời gian và tiến độ thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng chất vấn về quan điểm của Bộ trưởng liên quan quy định tại Điều 12 dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội: trường hợp thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định thì các sản phẩm thuốc lá mới sẽ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An), tại Báo cáo số 520 của Bộ Y tế có nội dung: “Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc mới khác có thể xuất hiện trong tương lai”.
Đại biểu đề nghị tư lệnh ngành Y tế thông tin về việc triển khai những nội dung liên quan trong đề xuất trên.
Tham gia tranh luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu rõ, thuốc lá điện tử, thuốc là nung nóng có hàng nghìn hoạt chất, trong đó có nhiều hoạt chất độc hại, vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu tại các kỳ họp trước và đang là vấn đề “nóng” trên nghị trường trong ngày hôm nay.
Cho rằng tình trạng này để “càng lâu càng có hại”, đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ về các giải pháp mạnh mẽ để xử lý thời gian tới, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để có những chế tài nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thế hệ tương lai của đất nước.
Hồi âm các đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tại Việt Nam hiện đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi (với tỷ lệ 7,3%).
Đáng chú ý, nhu cầu và việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái cũng tăng lên. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm từ 13 đến 17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13 đến 15 tuổi cũng tăng từ 3,5% lên 8%.
Liên quan tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đã có rất nhiều báo cáo khoa học nói về vấn đề này, trong đó có ảnh hưởng đến tim, gan, phổi, đặc biệt vấn đề loạn thần.
Năm 2023, đã có hơn 1.200 người điều trị liên quan tới thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong bối cảnh có khoảng 40 nghìn người/năm mắc các bệnh lý sức khỏe bởi thuốc lá bình thường, giờ thêm thuốc lá điện tử như vậy mang lại nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
“Là cơ quan phụ trách việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, chúng tôi đã có báo cáo phân tích chi tiết và đề xuất với Chính phủ trong thời gian tới phải có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, Bộ trưởng nêu rõ.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và hiện đang xây dựng hồ sơ luật sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trong đó có các quy định về cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Tuy nhiên, trong quá trình chờ sửa luật, Bộ trưởng mong muốn sẽ có một nghị quyết của Quốc hội liên quan tới việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, hoặc có thể trong nghị quyết chung của Kỳ họp, Quốc hội giao Chính phủ thí điểm triển khai việc cấm các loại thuốc lá thế hệ mới để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành Y tế cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Qua lấy ý kiến của các bộ, ngành, đa phần đều ủng hộ đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đã tổ chức đánh giá tác động làm căn cứ khoa học, đồng thời công bố tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử ra công chúng. Các giải pháp này là những giải pháp mang tính chất căn cơ để cung cấp các bằng chứng, căn cứ pháp lý để Chính phủ quyết định các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về triển khai Công điện số 47 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế đã hoàn thành báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến và ban hành nghị quyết.
Đối với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã đề xuất đến nội dung tính thuế đối với thuốc lá mới trong phần tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có ba văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Bởi trên cơ sở đánh giá của Hiệp hội kinh tế y tế, nếu thu được một đồng thuế liên quan tới các loại thuế này, chúng ta phải mất 5 đồng để giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe của người dân, chưa kể các hệ lụy gây ra đối với sức khỏe tinh thần, thể chất của người dân.
Ý kiến ()