Đại biểu Quốc hội bàn việc tiết kiệm chi ngân sách
Chiều 22/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là việc phát hành trái phiếu quốc tế; tiết kiệm chi ngân sách.
|
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. ( Ảnh: ĐD) |
Trong Tờ trình gửi đến Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất trong thời gian tới cần tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.
Dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu Chính phủ trong nước trong giai đoạn 2015-2016.
Thảo luận về vấn đề phát hành trái phiếu quốc tế, nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc, thận trọng, để không gây áp lực đến nợ công.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn Tiền Giang) và một số đại biểu khác quan ngại áp lực trả nợ của nước ta tăng nhanh, trong khi đang thiếu tiền đầu tư xây dựng, phát triển công trình phúc lợi quốc gia.
“Hàng năm ngành tài chính chỉ đạo giảm chi thường xuyên 10%, nhưng chưa giải quyết được. Cần phải giảm chi thường xuyên cho bộ máy mạnh hơn nữa, tránh tình trạng bộ máy phình ra, chất lượng, hiệu quả kém đi. Ngoài ra, cần quản lý tốt các công trình có vốn quản lý của nhà nước, đặc biệt là các công trình phúc lợi quốc gia” – đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị..
Cùng chung nỗi lo về thu- chi ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đặt vấn đề: Hàng chục năm qua, chúng ta đều đi vay, nhưng thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên. Muốn đầu tư, phát triển phải đi vay.
Nói về kỷ luật ngân sách, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) khái quát: Nhìn vào khoản chi ngân sách có thể thấy kỷ luật ngân sách chúng ta có vấn đề. Chi đầu tư phát triển, chi xây dựng cơ bản, chúng ta vẫn bội chi 7.800 tỷ đồng (vượt hơn 4%), trong khi bội chi ngân sách đang dự kiến là 5%.
Trong bối cảnh thu ngân sách ngày càng khó khăn, áp lực trả nợ tăng cao, một số đại biểu đề nghị cần phải cắt giảm chi thường xuyên, siết chặt kỷ luật chi ngân sách…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()