Đại biểu Quốc hội băn khoăn về 'thanh tra huyện'
Chiều 18/4, tiếp tục Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra sửa đổi.
Chuyển quy định về ‘Thanh tra nhân dân’ sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Từ đó, theo ông Phong, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước, góp phần phát triển KT-XH và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với quy định về “Thanh tra nhân dân” trong Luật Thanh tra hiện hành, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, hoạt động thanh tra Nhà nước mang tính quyền lực Nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất chuyển nội dung quy định về “Thanh tra nhân dân” sang dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được xây dựng và trình Quốc hội thông qua cùng với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thống nhất chuyển các quy định về “Thanh tra nhân dân” từ Luật Thanh tra sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về “Thanh tra huyện”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện với những lý do: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả; giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (713 thanh tra huyện).
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp tỉnh, vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh. Đồng thời, quản lý tập trung lực lượng thanh tra ở địa phương, thuận lợi cho việc đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuẩn hóa các chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lại cho rằng, nên tăng cường cho thanh tra cấp huyện để giải quyết những vấn đề ngay từ cơ sở vì cấp xã không có thanh tra. Việc thanh tra huyện vào cuộc sẽ tránh được việc gây hậu quả, đùn đẩy kéo dài cho cấp trên.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, hiện có 3 hình thức thanh tra là đột xuất, thường xuyên và theo kế hoạch. Do đó, nên để 2 hình thức thanh tra là thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch vì thanh tra thường xuyên cũng chính là thanh tra theo kế hoạch.
Tuy nhiên, bà đề xuất xem xét làm rõ giữa 2 hình thức thanh tra đột xuất và thanh tra theo kế hoạch có bất cập gì không. Bà cũng kiến nghị không làm cùng lúc thanh tra, kiểm toán đối với một cơ quan, địa phương, đơn vị để tránh quá tải cho cơ quan, địa phương, đơn vị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ, mỗi cơ quan có chức năng khác nhau, việc chồng chéo thanh tra, kiểm toán là chồng chéo về thời gian, địa điểm, cấp thanh tra, cùng một thời điểm có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, tức là do triển khai thực hiện chứ không phải do quy định của Luật.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy định xử lý triệt để việc chồng chéo là không khả thi mà điều quan trọng là các cơ quan phải “đúng vai, thuộc bài” chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, kiểm tra. Thực tế, 2 cơ quan thanh tra, kiểm toán phối hợp rất tốt, điển hình như trong công tác thanh tra, kiểm toán việc mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 đã phân định rất rõ thanh tra làm gì, kiểm toán làm gì.
Kết luận cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhất trí chỉ quy định thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất; đồng thời đề nghị bổ sung chức năng phòng, chống tiêu cực vào dự án Luật, việc này đã được Trung ương kết luận. Về quan hệ giữa thanh tra, kiểm toán, Phó Chủ tịch đề nghị 2 cơ quan phối hợp tốt từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, trong quá trình hoạt động sử dụng kết quả của nhau…
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()