Đại biểu Quốc hội băn khoăn trước những biểu hiện “lệch chuẩn” trong văn hóa nông thôn
Khẳng định khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, song đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn trước những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa trong bức tranh toàn cảnh về văn hóa nông thôn hiện nay.
Sáng 29/5, phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Theo đại biểu, một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng.
Quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; văn hóa truyền thống tiếp tục được khai thác theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp gắn với nhu cầu văn hóa của người dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu Huy, nhìn vào bức tranh toàn cảnh về văn hóa vùng nông thôn hiện nay vẫn còn những mảng màu tối, để lại không ít những băn khoăn. Đâu đó vẫn còn những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa, tình trạng coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế.
Hệ quả là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội phát triển. Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ “dịch bệnh” có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là lớp trẻ, đại biểu nêu rõ.
Nhấn mạnh những biến đổi của văn hóa nông thôn về sự thay đổi diện mạo không gian, cảnh quan làng xã, nhiều không gian thuộc về di sản, di tích lịch sử văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng bị thu hẹp, những luồng tư tưởng xấu độc đã và đang tác động, chi phối đến lối sống của người dân khu vực nông thôn…, đại biểu Huy cho rằng những hình ảnh ấy khiến cho bức tranh làng quê giảm đi phần tươi sáng.
Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, cụ thể hóa quan điểm: Xây dựng nông thôn có “đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc”, đại biểu tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan.
Đối với phát triển văn hóa, đại biểu Huy cho rằng, những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa, nhiều di sản, di tích văn hóa-lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn rà soát để quy định cụ thể hơn nữa, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới, nhất là các tiêu chí liên quan đến văn hóa theo hướng hài hòa giữa những yêu cầu của thực tế đời sống với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Đánh thức tiềm năng phát triển của các địa phương từ văn hóa, du lịch
Cùng bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) chỉ ra rằng, để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch.
Đại biểu cho biết nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, tuy có những khó khăn về điều kiện đường sá, sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng bù lại những nơi này có những cảnh quan tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, nhiều nét văn hóa đa dạng.
Những điều kiện này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế-xã hội mà còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh.
Đại biểu đề nghị cần quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026- 2030 tầm nhìn 2045.
Các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp với văn hóa và du lịch.
Theo nữ đại biểu, cần có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước, quyết tâm cải thiện, đưa người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương mình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Về các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu về kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2024, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Đồng thời, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia.
Đặc biệt, xuất phát từ thực tiễn công tác tại cơ sở và tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu An đề nghị cần quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
“Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, huy động tối đa các nguồn lực, bố trí, cân đối các nguồn vốn từ đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục đầu tư thực hiện việc cấp điện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, nữ đại biểu nêu ý kiến.
Cũng tại phiên họp, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) kiến nghị một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Về sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để có bước chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, có các cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hiện có phục vụ cho phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững.
Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là dự báo về biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó có định hướng và các giải pháp phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn đối với từng vùng, miền.
Điều này cũng giúp cho việc phát triển nông nghiệp đạt mức độ an toàn cao, phát huy hiệu quả, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có thiên tai, sự cố xảy ra, khắc phục cho được tình trạng bị động ứng phó trong thời gian qua.
Về phát triển hạ tầng giao thông, cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng.
Ý kiến ()