Đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ
Hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 31/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Phát biểu thảo luận, đa số các đại biểu đều đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển kinh tế; đánh giá báo cáo đã phản ánh khá khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.
Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, cho biết, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. “Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Vừa qua, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi” – đại biểu nêu quan điểm.
Về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.
Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm; không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi… Đại biểu chỉ rõ đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.
Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề. Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình. Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ chỉ rõ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới; đồng thời cho rằng, có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng. Kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. “Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ” – đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Cần có giải pháp cho căn bệnh “sợ trách nhiệm”.
Thảo luận ở hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đạt được ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt, trong bối nhiều nước trong khu vực và thế giới phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế; đồng thời cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Đại biểu đặt câu hỏi tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư. Do vậy, cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, đồng nghĩa với việc chúng ta cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.
Đại biểu cho rằng có hai nhóm cán bộ: Một là, cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm; đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi trận tiến vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay; cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.
Cùng quan điểm này, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ băn khoăn khi tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 chưa đạt được kỳ vọng; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tội phạm công nghệ cao; căn bệnh đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai của một bộ phận cán bộ… Đại biểu kiến nghị, Chính phủ sớm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đồng bộ, đa dạng, chất lượng, kết hợp có hiệu quả giữa bảo hiểm mang tính chất xã hội và bảo hiểm, mang tính chất dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân.
Nguồn:https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/-dai-bieu-kien-nghi-bo-tai-chinh-thanh-tra-toan-dien-hoat-dong-bao-hiem-nhan-tho-i695273/
Ý kiến ()