Ðặc xá, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của Ðảng, Nhà nước ta
Trao quyết định đặc xá cho phạm nhân ở Trại giam Nam Hà (Hà Nam). Từ khi nước ta giành được độc lập năm 1945 đến nay, đã có 40 lần Nhà nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân. Điểm nổi bật là trong số các phạm nhân được đặc xá, số người tái vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ khá thấp. Điều đó cho thấy, đặc xá là một chủ trương lớn, đúng đắn, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người bị kết án phạt tù, nhằm khuyến khích họ phấn đấu, học tập, rèn luyện, tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội.Xét duyệt đặc xá bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủTheo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 1990 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 142 nghìn người. Đó là những người đang cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam trong cả nước, có quá trình phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng cải tạo tốt. Điều đáng...
|
Từ khi nước ta giành được độc lập năm 1945 đến nay, đã có 40 lần Nhà nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân. Điểm nổi bật là trong số các phạm nhân được đặc xá, số người tái vi phạm pháp luật chiếm tỷ lệ khá thấp. Điều đó cho thấy, đặc xá là một chủ trương lớn, đúng đắn, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người bị kết án phạt tù, nhằm khuyến khích họ phấn đấu, học tập, rèn luyện, tiến bộ, trở thành người có ích cho xã hội.
Xét duyệt đặc xá bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, từ năm 1990 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 142 nghìn người. Đó là những người đang cải tạo tại các trại giam, trại tạm giam trong cả nước, có quá trình phấn đấu, rèn luyện tu dưỡng cải tạo tốt. Điều đáng mừng là trong tổng số người được hưởng lệnh đặc xá của Chủ tịch nước, số người tái vi phạm pháp luật thấp, năm 2000 (3,8%), năm 2007 (0,117%). Hai đợt đặc xá của năm 2009, mặc dù số người được đặc xá lớn (20.599 người) nhưng cũng chỉ có 150 người được đặc xá tái phạm (chiếm 0,72%) và năm 2010, chỉ có 103 người được đặc xá tái vi phạm pháp luật (chiếm 0,59%). Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an khẳng định: Tỷ lệ người được đặc xá tái vi phạm pháp luật thấp là do công tác xét duyệt đặc xá bảo đảm tính công bằng, đúng luật, đúng đối tượng, nhất là từ khi Quốc hội thông qua Luật Đặc xá; mặt khác do lực lượng công an, chính quyền cơ sở và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong công tác tiếp nhận, động viên, giúp đỡ về việc làm, ổn định cuộc sống để người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, không vi phạm pháp luật và bản thân họ có quá trình rèn luyện, cải tạo tốt.
Ngày 21-11-2007, Quốc hội nước ta thông qua Luật Đặc xá và luật có hiệu lực từ ngày 1-3-2008. Ngày 4-7-2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2008/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá. Luật Đặc xá khẳng định tính nhân đạo, tính nhân văn sâu sắc trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đối với việc tổ chức thực hiện công tác đặc xá, Nghị định 76/CP quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành. Theo đó, tiêu chuẩn xét đặc xá được các trại giam và trại tạm giam công khai để các phạm nhân tự đối chiếu và các trại sẽ tổ chức để các phạm nhân tự bình xét, có sự giám sát của quản giáo; các quản giáo chịu trách nhiệm về danh sách từng người được phạm nhân bình chọn và nêu rõ ý kiến vì sao các trường hợp này được xét đặc xá. Hội đồng xét duyệt đặc xá có chín tổ công tác liên ngành, gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… trong đó Công an là lực lượng nòng cốt. Theo Thượng tá Hoàng Văn Du, Trưởng phòng Công tác đặc xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Bộ Công an): Sở dĩ trong tổ công tác liên ngành có Bộ Ngoại giao là bởi, liên quan đến việc xét đặc xá cho một số phạm nhân là người nước ngoài. Riêng năm 2011, để phục vụ việc xét duyệt 10.244 phạm nhân được đặc xá, các tổ công tác đã làm việc ròng rã trong vòng nửa năm. Với những trường hợp cần cân nhắc để có quyết định chính xác, tổ liên ngành sẽ họp lấy ý kiến biểu quyết, tạo sự thống nhất, minh bạch trong công tác xét duyệt. Ngoài chín tổ thành viên giúp việc cho Hội đồng xét duyệt đặc xá, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vẫn có tổ công tác độc lập đi kiểm tra đột xuất việc xét duyệt hồ sơ đặc xá theo Điều 29 của Luật Đặc xá về quy định trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Tất cả các quy trình thẩm định, xét duyệt nói trên đã giúp cho việc xét đặc xá rất khó xảy ra sai sót và oan sai. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp tái phạm. Song, một trong những điều kiện không thể thiếu khi xét đặc xá là phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Đối với quy định này, có người hiểu rằng, nếu đã chấp hành tốt các quy định cải tạo của trại giam mà không có tiền nộp coi như không được xét đặc xá. Thượng tá Hoàng Văn Du cho rằng, nếu hiểu như vậy là không đúng. Bởi nếu không đủ tiền bồi thường thiệt hại, thì người trong diện không được xét đặc xá nhưng vẫn được xét giảm án. Và khi hết án đương nhiên sẽ được tha tù. Hiện nay, tất cả các trại giam đã trích một phần từ tiền tăng gia sản xuất trong trại để giúp phạm nhân nộp tiền án phí. Chỉ những phạm nhân phải bồi thường thiệt hại số tiền quá lớn thì trại không đủ sức.
Giúp người được đặc xá hoàn lương bền vững
Công tác hòa nhập cộng đồng với việc tiếp tục quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, sống có ích cho gia đình và xã hội luôn được quan tâm chỉ đạo từ năm 1998 đến nay. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch triển khai các đợt đặc xá của Bộ Công an, cụ thể: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để tạo điều kiện giúp đỡ người được đặc xá sống hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Tại các trại giam, trại tạm giam đã tổ chức triển khai các lớp học để trang bị kiến thức và tạo điều kiện cần thiết cho người được đề nghị đặc xá hòa nhập cộng đồng, hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; Luật Giao thông đường bộ; Luật Cư trú, kiến thức về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS; kỹ năng tìm kiếm việc làm; kỹ năng hòa nhập cộng đồng… trong đó chú trọng làm tốt công tác tư vấn cá nhân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và giúp người được đặc xá giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, lồng ghép các nội dung giáo dục với các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí; phối hợp công an địa phương mời một số gương hoàn lương tốt, tích cực hòa nhập cộng đồng đến trại giam trao đổi, tư vấn cho phạm nhân để họ vững tâm trở về hoàn lương.
Tại các địa phương, Công an các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được đặc xá; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội tham gia giáo dục, tạo điều kiện giúp người được đặc xá tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; tạo các điều kiện thuận lợi nhất để người được đặc xá đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy chứng minh nhân dân…
Mặc dù, những năm gần đây có số lượng lớn người được đặc xá tha về các địa phương, nhưng không có biến động lớn về trật tự an toàn xã hội. Nhiều người được đặc xá đã phấn đấu trở thành những tấm gương hoàn lương tiêu biểu, doanh nhân thành đạt, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và giúp được nhiều người cùng cảnh ngộ tìm kiếm được việc làm, sống lương thiện. Đặc biệt, tại các địa phương đã có nhiều mô hình, điển hình hiệu quả về hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù như: Mô hình doanh nhân với an ninh trật tự của huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) và Đồng Nai; mô hình cho người lầm lỗi vay vốn của thành phố Đà Nẵng; mô hình hỗ trợ vốn cho người mãn hạn tù gặp khó khăn của Câu lạc bộ doanh nhân huyện Ý Yên (Nam Định); mô hình “Quỹ hoàn lương” tại thành phố Hồ Chí Minh; mô hình quản lý giúp đỡ đặc xá, người mãn hạn tù của Hội Cựu chiến binh phường Ba Đình, phường Lam Sơn (Thanh Hóa)…
Kết quả công tác đặc xá khẳng định rõ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác đặc xá; đánh giá đúng kết quả quá trình đổi mới công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, sự nỗ lực, cố gắng và thành quả của lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân để có nhiều người tiến bộ được hưởng lượng khoan hồng của Nhà nước; khẳng định sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương giúp người được đặc xá hoàn lương bền vững góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()