Ngày 26-5-2010, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 697 về đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp kỷ niệm 65 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2010). Đây là đợt đặc xá lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ càng trước khi thực hiện. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn ĐỒNG CHÍ TRƯƠNG VĨNH TRỌNG, ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ T.Ư ĐẢNG, PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶC XÁ về ý nghĩa và công tác chuẩn bị cho đợt đặc xá này. Chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, quy mô đợt đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9 năm nay như thế nào và có những điểm gì mới so với các đợt đặc xá trước?
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Xuất phát từ bản chất nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, hằng năm chúng ta đều tiến hành đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân có quá trình học tập, lao động cải tạo tốt, đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quy định. Năm nay, nhân dịp Quốc khánh 2-9 và cũng là năm chúng ta kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước như 65 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 35 năm giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước, Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thực hiện Luật Đặc xá, ngày 26-5-2010, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 697/2010/QĐ-CTN về đặc xá năm 2010. Đây là đợt đặc xá lớn của Nhà nước ta. Theo đó, có mở rộng quy mô đặc xá được thể hiện bằng việc mở rộng thêm một số điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá, mở rộng đối tượng đặc xá như: Các phạm nhân phạm các tội về kinh tế và chức vụ nếu đã thực hiện xong các nghĩa vụ về dân sự (bồi thường thiệt hại, truy thu tài sản, phạt tiền, án phí…); các phạm nhân thuộc diện đối tượng chính sách (thương binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với cách mạng…), là người già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, nếu chấp hành được 1/4 thời hạn hình phạt tù thì được xét đặc xá. Tuy vậy, việc mở rộng cũng phải trong khuôn khổ của luật pháp và phải bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, việc triển khai công tác đặc xá thế nào, nhất là việc xem xét, thẩm định hồ sơ để bảo đảm công bằng, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, không sót lọt?
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Từ trước đến nay, việc tiến hành xét đặc xá được thực hiện theo quy định của Pháp luật. Năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Đặc xá. Để triển khai luật này, ngày 4-7-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đặc xá và từ đó đến nay, việc đặc xá được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật nói trên. Đặc xá lần này cũng như các lần đặc xá trước, việc xét duyệt được thực hiện theo trình tự như sau:
– Các trại giam, trại tạm giam tuyên truyền phổ biến cho tất cả các phạm nhân về nội dung Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2010, Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá về điều kiện, tiêu chuẩn được xét đặc xá. Việc làm này phải được phổ biến trực tiếp và niêm yết tại các trại giam, buồng giam.
– Các phân trại tổ chức cho các phạm nhân bỏ phiếu kín bình bầu những người có thái độ cải tạo tốt, đủ điều kiện được xét đặc xá.
– Căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn và kết quả bỏ phiếu, các trại giam, trại tạm giam lập hồ sơ những phạm nhân đề nghị xét đặc xá đối với những phạm nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
– Hội đồng xét duyệt đặc xá của các trại giam, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Quân khu (đối với các phạm nhân thuộc các trại giam, trại tạm giam do Bộ Quốc phòng quản lý) tiến hành xét duyệt từng trường hợp cụ thể. Sau đó lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá.
– Tổ thẩm định liên ngành (gồm đại diện Bộ Công an, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) tiến hành thẩm định từng hồ sơ đề nghị đặc xá do các trại giam, trại tạm giam, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Quân khu lập.
– Sau đó, các hồ sơ này được chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá (Bộ Công an) để kiểm tra lại và sao gửi đến chín cơ quan là thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để thẩm định lại từng trường hợp.
– Sau khi đã hoàn thành tất cả các bước nói trên, theo đề nghị của Thường trực Hội đồng tư vấn (Bộ Công an), Hội đồng tư vấn đặc xá họp phiên toàn thể để xét duyệt cụ thể các trường hợp đề nghị đặc xá. Cuộc họp được tiến hành công khai, dân chủ theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Hội đồng tư vấn đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định việc đặc xá tha tù trước thời hạn đối với các phạm nhân.
PV: Năm nay, số phạm nhân được đặc xá tha tù dự kiến nhiều hơn các năm trước, theo Phó Thủ tướng, điều đó có làm cho tình hình trật tự an toàn xã hội phức tạp hơn không?
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với những người phạm tội đã có quá trình cải tạo tốt. Từ năm 1990 đến nay, Nhà nước ta đã thực hiện 10 lần đặc xá và đã đặc xá, tha tù trước thời hạn cho 114.913 người. Riêng năm 2009, Nhà nước ta đã đặc xá cho 20.599 người. Mặc dù số lượng người được đặc xá lớn như vậy, nhưng tình hình an ninh, trật tự vẫn được giữ vững, không có gì biến động do những người được đặc xá gây ra. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm là 4%, riêng số người được đặc xá năm 2009 là 1,7%.
Năm nay, dự kiến chúng ta sẽ đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 30.000 phạm nhân. Nhưng khi lập hồ sơ và thẩm định chỉ được hơn 17.000 phạm nhân. Đặc biệt đợt này, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo làm thật tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với các phạm nhân sau khi được đặc xá tha tù. Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, việc đặc xá năm nay cũng sẽ không làm cho tình hình trật tự, an toàn xã hội phức tạp hơn, mà tạo niềm tin trong xã hội vào chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Năm nay, đặc xá lớn, theo Phó Thủ tướng vấn đề hậu đặc xá cần chú trọng những gì để những người được đặc xá tha tù trước thời hạn sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội?
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Việc đặc xá tha tù trước thời hạn đối với những người đã từng vi phạm pháp luật là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách nhân đạo đó không chỉ dừng ở việc đặc xá tha tù mà còn tiếp tục được thể hiện ở việc tạo điều kiện để những người này được tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những người được tha tù trở về (gồm cả những người được đặc xá và người hết hạn tù) sớm hòa nhập cộng đồng. Cụ thể là: Bộ Công an tổ chức học tập về nghề nghiệp, kiến thức xã hội cho những người chuẩn bị được tha tù trong các trại giam, trại tạm giam; cấp ủy đảng và UBND các địa phương đã chỉ đạo các ngành, các cấp không phân biệt đối xử đối với những người được tha tù về địa phương trong việc thực hiện các chính sách xã hội như việc làm, vay vốn để sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo…
Đồng thời, việc tiếp nhận người được đặc xá nói riêng và những người được tha tù nói chung về địa phương tái hòa nhập cộng đồng đòi hỏi phải có sự chung sức, chung lòng của tất cả các ngành, các cấp, của các gia đình có người được đặc xá tha tù, xóa bỏ việc phân biệt đối xử; cần giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có điều kiện, cơ hội làm ăn như những người bình thường khác.
PV: Xin chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng.
Ý kiến ()