Ðặc sắc văn hóa cồng chiêng xứ Mường
Hòa Bình còn gần 1.000 chiếc cồng chiêng đang được lưu giữ trong dân gian và khoảng 35 bài cồng cổ được lưu truyền, phổ biến trong các dịp lễ Tết. Trong ảnh: Lễ hội cồng chiêng dân tộc Mường. Ảnh: ĐỨC THỊNH Chúng tôi đến Hòa Bình vào một ngày cuối thu. Bỗng thấy vang lên từ khắp các xóm làng âm thanh trầm hùng của cồng chiêng xứ Mường đồng vọng cùng tiếng gió reo vi vút nơi rừng núi. Một cảm giác yên bình, náo nức tràn về, dường như mọi ồn ào phố thị được bỏ lại phía sau...Đối với người Mường Hòa Bình, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường....
Hòa Bình còn gần 1.000 chiếc cồng chiêng đang được lưu giữ trong dân gian và khoảng 35 bài cồng cổ được lưu truyền, phổ biến trong các dịp lễ Tết. Trong ảnh: Lễ hội cồng chiêng dân tộc Mường. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
Đối với người Mường Hòa Bình, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hóa. Tiếng cồng chiêng boòng beng mang cái hồn linh thiêng của rừng núi, là âm thanh nối kết con người với thế giới siêu nhiên. Ngay từ khi sinh ra đến lúc về với cõi vĩnh hằng, những thanh âm ấy đã chiếm lĩnh cả không gian và thời gian, đi sâu vào nhiều mặt cuộc sống và trải suốt cuộc đời mỗi người dân Mường. Cồng chiêng theo những Phường Xắc bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội Xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui Cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no… Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền tụ qua nhiều thế hệ, trở thành nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường nơi đây.
Chính những thanh âm khi trầm bổng, sâu lắng, khi hào hùng, quyến rũ, khi mặn mà, đằm thắm ấy đã làm nên những giá trị độc đáo mà chỉ văn hóa cồng chiêng Mường mới có được. Nếu như cồng chiêng Tây Nguyên được coi là đặc trưng văn hóa nghệ thuật chung cho cả vùng Tây Nguyên với hơn mười tộc người, thì cồng chiêng Mường chỉ là của một tộc người. Nhưng không vì thế mà cồng chiêng Mường trở nên đơn điệu, nghèo nàn mà trái lại vô cùng đa dạng với nhiều kiểu kết hợp sáng tạo từ sự tương tác giữa các âm boòng-beeng-khẩm. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, hiện dân tộc Mường Hòa Bình còn lưu giữ được hơn 20 bài cồng cổ điển hình. Song có một điều lạ là hầu hết các con em dân tộc Mường nếu biết đánh cồng thì đều thuộc và đều biết đánh những bài cồng cổ đó. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã thu âm, ký âm được hơn 50 bản nhạc cồng chiêng Mường. Trong khi mỗi chiêng trong dàn nhạc cồng chiêng Tây Nguyên phải bảo đảm một thang âm nhất định thì âm nhạc cồng chiêng Mường không cần tuân theo một điệu thức nào mà vẫn nhuần nhụy khi phối hợp diễn tấu. Trong khi người Tây Nguyên dùng tay đánh cồng thì người Mường dùng những chiếc dùi được làm từ gỗ cây ổi, cây hồng bì và bọc thổ trâu, thổ nai để tạo nên những âm đẹp, thanh sáng khi đánh cồng. Giàn cồng chiêng Tây Nguyên chỉ có từ năm đến bảy cái, còn giàn cồng chiêng đầy đủ của người Mường phải có đủ 12 chiếc, tượng trưng cho sự giao hòa của 12 tháng trong năm. Ấy là những minh chứng khẳng định dù chỉ là loại hình âm nhạc truyền khẩu nhưng cồng chiêng Mường đã làm nên cả một không gian văn hóa rộng lớn với những đặc trưng riêng.
Được người dân chỉ đường, chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn nhỏ của nghệ nhân cồng chiêng Nguyễn Văn Thực ở xóm Chăm, phường Thái Bình. Đã bước sang tuổi 75, nhưng bàn tay chơi chiêng của người nghệ nhân già vẫn vô cùng điêu luyện. Ông kể với chúng tôi, đam mê cồng chiêng đã ngấm vào ông từ thời còn để chỏm. Nghiện chiêng lúc nào không hay, cứ nghe thấy tiếng chiêng, ông lại thấy náo nức khó tả. Chính vì thế, tiếng chiêng, tiếng cồng với những điệu rằng thường đã theo ông vào đội văn công xã từ năm ông 17 tuổi. Tiếng cồng chiêng từ đội văn nghệ do chính ông thành lập đã luôn ngân nga, cổ vũ chiến sĩ ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Để rồi, những năm 90 của thế kỷ 20, khi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường khó khăn, người ta phải mang cả chiêng đem bán với giá rẻ thì ông vẫn nhất quyết giữ lại những chiếc chiêng cổ của gia tộc. Ông hăng say lao động, nuôi lợn, nuôi gà rồi bán hết, thậm chí bán cả vườn để dành dụm tiền đi khắp các vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, đến cả các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La để tìm mua những chiếc chiêng cổ. Đến nay, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn dành hết tâm huyết để truyền lại tình yêu chiêng và cách chơi chiêng cho thanh niên, trẻ nhỏ trong tổ, phường. 16 người con trai, gái, dâu, rể và các cháu của ông ai cũng biết chơi chiêng. Ông còn thành lập cả một đội văn nghệ cồng chiêng và giành được nhiều huy chương vàng trong những chương trình biểu diễn cồng chiêng lớn trong, ngoài tỉnh. Trò chuyện với ông bên chén trà xanh nghi ngút, chúng tôi mới hiểu nhờ có những người nhiều tình yêu và tâm huyết như ông, văn hóa cồng chiêng Mường mới có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thế.
Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của văn hóa cồng chiêng Mường trong đời sống tinh thần của người dân Hòa Bình, UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng Mường. Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình Bùi Tú Cao, cho biết: Từ khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành và triển khai, số lượng cồng chiêng Hòa Bình đã nhiều hơn. Nếu những năm 80, 90 của thế kỷ trước, đời sống khó khăn dẫn đến hiện tượng “chảy máu cồng chiêng”, làm số lượng cồng chiêng trên địa bàn tỉnh bị mai một nhiều, năm 1995 chỉ còn khoảng 4.000 chiếc thì tới năm 2005, con số này đã tăng lên 6.000 chiếc. Đặc biệt, năm 2010, trong cuộc khảo sát kiểm kê toàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã phát hiện gần 10.000 chiếc chiêng được lưu giữ trong những hộ dân. Đây là con số đáng mừng cho thấy ý thức bảo tồn cồng chiêng của người Mường Hòa Bình ngày càng tăng cao. Vào những dịp lễ hội, các gia đình Mường đã tự đi mua chiêng để chơi. Ở các cơ sở, nhiều nghệ nhân cồng chiêng còn tự tổ chức các lớp dạy nghệ thuật cồng chiêng và văn nghệ dân gian cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, có nhiều câu lạc bộ văn hóa văn nghệ dân gian được hình thành như ở các vùng: Mường Vó – Lạc Sơn, phường Thái Bình, xã Sủ Ngòi TP Hòa Bình… Những lớp học và câu lạc bộ này đều được hình thành từ sự yêu thích của người dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Mới đây, Hòa Bình đã tập hợp được 1.500 nghệ nhân đánh chiêng, tạo thành dàn cồng chiêng khổng lồ xác lập kỷ lục ghi-nét trong Lễ hội văn hóa cồng chiêng kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã tiến hành xây dựng hồ sơ đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường, tỉnh Hòa Bình” là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên, văn hóa cồng chiêng Mường Hòa Bình đang đứng trước nguy cơ mai một trước sự xâm lấn của các hình thức giải trí mới, bên cạnh đó là sự suy giảm số lượng những nghệ nhân biết đánh chiêng giai điệu, và sự mai một, biến tấu của những bài chiêng cổ. Trước thực trạng đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng chiêng Mường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước hết, các cấp lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa Mường để mỗi người dân trong tỉnh có ý thức gìn giữ và phát huy, để bạn bè trong và ngoài nước thấy rõ cái hay cái đẹp của nền văn hóa cồng chiêng Mường. Trên cơ sở đó, các ban, ngành cần tổ chức tổng kiểm kê, khảo sát, sưu tầm các làn điệu cồng chiêng cổ trên quan điểm có chọn lọc, kế thừa; tích cực tổ chức các lễ hội cổ truyền mang tính thường kỳ, thường niên để âm nhạc cồng chiêng Mường có “đất” phát triển và tránh được tình trạng “sân khấu hóa” quá mức làm mất giá trị không gian văn hóa cộng đồng của trình tấu cồng chiêng. Một trong những biện pháp quan trọng là các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh cần có sự nhìn nhận xứng đáng với những nghệ nhân cồng chiêng, những người lưu giữ giá trị cồng chiêng Mường. Họ xứng đáng được tôn vinh, được đãi ngộ và được công nhận là những nghệ nhân dân gian.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền dạy, quảng bá giá trị không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường tới thế hệ trẻ thông qua các lớp học, các câu lạc bộ, thậm chí đưa vào chương trình học ngoại khóa tại các trường phổ thông, các trường nghệ thuật và dân tộc nội trú, nơi có con em Mường theo học. Song song với đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có nhiệt tình và năng lực để đảm đương. Các cấp ủy Đảng, Chính quyền và ngành văn hóa, thể thao và du lịch cũng cần quan tâm sâu sắc và đầu tư kinh phí thỏa đáng cho việc nghiên cứu không gian văn hóa cồng chiêng cũng như việc bảo tồn, phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể của cồng chiêng dân tộc Mường, bảo đảm tạo nên môi trường văn hóa cồng chiêng lành mạnh, tích cực, làm phong phú, sâu sắc thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Theo Nhandan
Ý kiến ()