Đặc sắc múa võ cổ truyền trong trình diễn sư tử mèo dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn
- Những ngày đầu xuân, ở hầu hết các lễ hội lồng tồng trên địa bàn tỉnh đều không thể thiếu hình ảnh của những "chú" sư tử mèo - đặc trưng riêng của các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Cùng với các trò diễn của sư tử mèo, các bài múa võ cổ truyền (hay gọi là oóc quyền) với những động tác dứt khoát luôn tạo điểm nhấn riêng và lôi cuốn người xem với sự khỏe khoắn, mạnh mẽ và tinh thần thượng võ của người dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn.
Ở Lạng Sơn, từ xưa đến nay, múa võ cổ truyền đã gắn liền với múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng nơi đây. Các thế múa của sư tử mèo về bản chất chính là các thế võ cổ truyền của dân tộc Tày, Nùng. Thực tế những năm qua cho thấy, trong phần trình diễn múa sư tử mèo, nếu thiếu phần múa các bài võ cổ truyền thì màn trình diễn đó không thể coi là hoàn chỉnh. Tại các lễ hội, sư tử mèo đi đến đâu, Nhân dân và du khách lại tập trung quây thành vòng tròn lớn để xem múa sư tử mèo và múa võ...
Múa võ cổ truyền - phần không thể thiếu trong trình diễn sư tử mèo
Bà Hứa Quỳnh Nga, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Những năm qua, ngành văn hóa huyện thường xuyên khuyến khích các đội múa sư tử thực hiện các bài múa võ cổ truyền trong trình diễn. Trong đó, hầu hết các lễ hội, hội thi có múa sư tử mèo đều kết hợp múa võ (trừ các chương trình văn nghệ). Đơn cử, tại các lễ hội lồng tồng, để thuận tiện trình diễn mà không cần trang bị phức tạp, thành viên các đội sư tử sẽ múa các bài võ tay không.
Cùng với huyện Văn Lãng, các huyện trên địa bàn tỉnh có phong trào múa sư tử mèo phát triển đều chú trọng bảo tồn múa võ gắn với múa sư tử mèo. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 đội múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, với trên 1.000 thành viên, phân bố ở các thôn, bản, khối phố tại các huyện; tập trung ở các huyện Cao Lộc, Bình Gia, Văn Lãng... Trong đó, gần 40% thành viên thuộc và có thể múa nhiều bài võ.
Ông Hoàng Văn Hạnh, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: Đội múa sư tử mèo thôn Quảng Hồng, xã Gia Cát của chúng tôi hiện có gần 30 người. Các thành viên khi gia nhập đội đều được học song song các điệu múa sư tử cùng các bài múa võ cổ truyền của dân tộc... Tiếp đó, trong quá trình tập luyện, chúng tôi lựa chọn theo năng khiếu của mỗi thành viên để chia vào các nhóm phụ trách các nội dung trong trình diễn múa sư tử. Một số thành viên sẽ múa với đầu sư tử, một số thành viên khác lại "chuyên" biểu diễn các bài múa võ cổ truyền.
Nét đặc trưng riêng của võ cổ truyền dân tộc Tày, Nùng
Theo các nghệ nhân, múa võ cổ truyền của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn có nhiều nét tương đồng, được chia thành các bài múa: múa võ tay không (đơn, đôi); múa gậy, múa đoản đao (pàn tao); múa đinh ba (slam sa); múa võ kiếm.... Trừ múa võ tay không, các bài múa khác đều cần đến đạo cụ. Các đạo cụ trong múa võ cổ truyền được nghệ nhân "chế tác" từ các cây gỗ, hoặc rèn theo ý tưởng để minh họa cho các loại vũ khí gồm: đao, kiếm, dao, đinh ba, gậy.
![img,1098,10532010.jpg](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202502/medium/530747_e3c6d7830f9ffdd2e64b892246505de6_10543010.jpg)
Trong trình diễn, mỗi bài múa võ cổ truyền đều tuân thủ theo quy luật 4 cửa, tượng trưng cho 4 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Có nghĩa là mỗi bài múa đều đảm bảo quay về 4 hướng để biểu diễn. Trong quá trình múa, tùy thuộc vào nội dung, dụng cụ, các bài múa võ sẽ có từ 5 đến 7 động tác thể hiện các thế võ: tấn công (đấm, đá), phòng thủ.
Thông thường khi trình diễn múa sư tử mèo, các đội múa sẽ trình diễn tổng hợp từ 5 bài múa võ trở lên. Nét độc đáo của múa võ cổ truyền trong múa sư tử mèo đó là trước khi thực hiện bài múa, người múa võ phải thực hiện "chỉnh slay" (cúi chào bộ chiêng, trống). Đây là nghi lễ không thể thiếu với ý nghĩa cầu mong thần linh phù hộ cho bài múa võ được thuận lợi, người múa được bình an khi thực hiện bài múa võ.
Trong trình diễn, mỗi bài múa sẽ có những động tác khác nhau. Nổi bật như múa gậy, các động tác múa nhanh tay, chính xác, đều, đối xứng đẹp mắt; khi múa tiếng gậy va vào nhau chan chát, làm người xem cảm thấy rất sống động. Hay như múa đao, người múa cầm đao quay nhanh trên đầu tạo tiếng gió rít vun vút, thể hiện sự uyển chuyển liên hoàn, khéo léo...
Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền
Để múa võ cổ truyền gắn với múa sư tử mèo được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, từ năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cùng các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức được 10 lớp tập huấn, truyền dạy múa sư tử mèo, trong đó có múa võ cổ truyền cho hơn 300 học viên tại các thôn, xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở VHTTDL đã hai lần tổ chức hội thi múa sư tử mèo cấp tỉnh; UBND một số huyện có phong trào múa sư tử mèo phát triển mạnh cũng tổ chức hội thi múa sư tử mèo cấp huyện... trong đó, khoảng 1/4 nhóm tiêu chí chấm điểm thuộc về nội dung múa võ cổ truyền.
Bên cạnh đó, trong mỗi đội múa sư tử mèo, các thành viên cũng quan tâm đến việc truyền dạy võ cổ truyền cho các thành viên trẻ. Anh Mông Văn Quảng, thôn Phiêng Liệt, xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi đã tham gia đội múa sư tử mèo của thôn được khoảng 7 năm và thường xuyên được giao nhiệm vụ trình diễn múa võ cổ truyền. Hiện nay, tôi đang truyền dạy các bài múa võ cho thế hệ trẻ trong thôn. Trong quá trình truyền dạy, tôi thường xuyên nhắc nhở và nhấn mạnh đến các học trò về tinh thần thượng võ.
![f5ce8f3b56c3ef9db6d243,22250212.jpg](https://mediabls.mediatech.vn/upload/image/202502/medium/531644_a59ccaed2affd7250dfc5cd0f5731df5_22255012.jpg)
Múa võ cổ truyền là yếu tố giúp cho múa sư tử mèo không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc của Lạng Sơn mà còn là biểu tượng của tinh thần thượng võ, sự kiên cường và lòng tự hào của người dân nơi đây. Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Những bài múa võ cổ truyền đã góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng có của múa sư tử mèo Lạng Sơn so với các địa phương khác. Các bài võ thể hiện tinh thần thượng võ, sức mạnh, sự khéo léo, dẻo dai và bản lĩnh, khí phách hiên ngang của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Việc chú trọng trao truyền các bài múa võ cổ truyền song song với bảo tồn di sản múa sư tử mèo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần giữ gìn nét đẹp, đặc trưng riêng của dân tộc.
Múa võ cổ truyền trong trình diễn múa sư tử mèo đã và đang góp phần tạo nên sự độc đáo cho loại hình nghệ thuật này. Việc nỗ lực bảo tồn và phát huy của cộng đồng dân tộc thời gian qua đã giúp cho võ cổ truyền được phát huy, trở thành niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, đồng thời góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Xứ Lạng đến với du khách trong và ngoài nước.
Một số màn múa võ cổ truyền các dân tộc Tày - Nùng Lạng Sơn trong trình diễn múa sư tử mèo
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()