Đặc sắc múa sư tử mèo Xứ Lạng
LSO-Múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng được hình thành qua nhiều thế hệ và gắn bó lâu đời với đồng bào nhân dân các dân tộc của tỉnh. Múa sư tử mèo thường xuất hiện nhiều vào các dịp đầu năm mới, tại các lễ hội lồng tồng, các sự kiện trọng đại của tỉnh như: khai mạc lễ hội, ngày hội, mừng nhà mới, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình... Với những giá trị truyền thống văn hoá, ngày 8/5/2017, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có Quyết định số 1852 công nhận múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tầm cỡ quốc gia.
Múa sư tử mèo tại lễ hội chùa Bắc Nga (Cao Lộc) xuân Đinh Dậu 2017 |
Theo thống kê của ngành văn hoá, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có khoảng 89 đội múa sư tử với gần 1.000 nghệ nhân múa sư tử; 30 nghệ nhân chế tác làm đầu sư tử. Các đầu sư tử có nhiều điểm giống đầu con mèo, nên được gọi là sư tử mèo. Hiện tại, múa sư tử đang có mặt tại 45/226 xã, phường, thị trấn; tập trung chủ yếu tại 6/11 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia và Tràng Định. Số nghệ nhân múa sư tử được ngành văn hoá công nhận có 74 người; tập trung nhiều tại các huyện: Cao Lộc, Bình Gia và Văn Lãng. Mỗi đội sư tử có từ 8 – 16 người, gồm người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc; đi kèm có bộ gõ như: trống, chiêng, thanh la; cùng với các binh khí: gậy, đao, tam xa. Múa sư sử cũng có nhiều bài múa khác nhau: múa đao kiếm, đinh ba, gậy đôi, tẳng giảo (một loại binh khí của người Nùng).
Nghệ nhân Hoàng Choóng ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng chia sẻ: Múa sư tử có rất nhiều bài biểu diễn khác nhau như: bài múa đi đường, bài mừng, bài bái tổ, bài cầu may; rồi nghệ thuật chồng hình, nhào lộn thông thường, nhào lộn qua vòng lửa, thăng đai cho sư tử… Mỗi bài múa đi kèm một giai điệu nhạc khác nhau; người múa sư tử chỉ cần nghe chuyển nhạc gõ là biết trình diễn múa bài tương thích.
Múa sư tử tại Lễ hội chùa Tân Thanh huyện Văn Lãng |
Theo quan niệm của dân tộc, năm mới sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đi đến đó, nên nhiều gia đình đã mời sư tử vào nhà múa cầu may, cầu an cho gia đình. Đối với một số vùng nông thôn, múa sư tử mèo thường gặp tại các hội lồng tồng (xuống đồng), tết trung thu và lễ vào nhà mới. Múa sư tử của dân tộc còn mang nét độc đáo là nghệ thuật xếp hình tháp thông qua những chiếc gậy do các thanh niên thể hiện. Múa trong ngày hội thì có thêm múa võ. Nhân các ngày hội truyền thống, một số lễ hội còn tổ chức thi biểu diễn múa sư tử, múa võ dân tộc…
Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, Sở VHTTDL tỉnh đã quan tâm đến lọai hình văn hoá phi vật thể. Đặc biệt từ năm 1992 trở lại đây, nghệ thuật múa sư tử mèo đã được ngành chức năng quan tâm, bảo tồn và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn xã Hải Yến (Cao Lộc), múa sư tử đã được đưa vào nội dung hoạt động ngoại khoá tại trường trung học cơ sở xã. Tại huyện Văn Lãng và Bình Gia, công tác truyền dạy biểu diễn đã thu hút đông đảo thanh niên tham gia luyện tập.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Sư tử mèo Lạng Sơn được Bộ VHTTDL công nhận là loại hình di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Dịp lễ hội xuân Xứ Lạng 2018, Sở VHTTDL đã thông báo quyết định của Bộ VHTTDL công nhận múa sư tử mèo của dân tộc Tày – Nùng Lạng Sơn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tầm cỡ quốc gia tại các địa bàn có tổ chức lễ hội như: Tân Thanh (Văn Lãng), Tô Hiệu (Bình Gia), Háng Cáu (Lộc Bình) và tới đây là lễ hội chùa Bắc Nga (Cao Lộc)…. Qua đó góp phần quảng bá loại hình di sản văn hoá truyền thống này để nhân dân tiếp tục gìn giữ và phát huy. Thời gian tới, ngành tiếp tục định hướng múa sư tử mèo trở thành một hoạt động văn hoá phi vật thể, theo đó tập trung xây dựng công trình, đề án nghiên cứu sâu về múa sư tử, hình thành tài liệu biên soạn và xuất bản các ấn phẩm văn hoá liên quan đến hoạt động múa sư tử. Tiếp tục làm tốt công tác truyền dạy cho các thế hệ trẻ; vận động các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư khai thác phát huy giá trị văn hoá phi vật thể; tiến tới tổ chức bình xét tặng danh hiệu nghệ nhân.
PHAN CẦU
Ý kiến ()