Đặc sắc múa chầu then trong ngày xuân Xứ Lạng
– Múa chầu là điệu múa gắn liền với then của dân tộc Tày Xứ Lạng. Nếu như trước đây, điệu múa này chỉ xuất hiện trong một số nghi lễ then tín ngưỡng thì nay, múa chầu then được biểu diễn rộng rãi trong cộng đồng dân cư và đặc biệt là trong các dịp lễ, tết trên địa bàn tỉnh.
Tết đến xuân về, du xuân, trẩy hội ở lễ hội truyền thống tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, du khách thường được chiêm ngưỡng điệu múa chầu then. Với những động tác mềm dẻo nhưng dứt khoát, múa chầu then luôn tạo ấn tượng, thu hút sự chú ý và tham gia của người dân địa phương cũng như du khách trẩy hội.
Chị Phạm Thanh Huyền, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Năm 2019, khi lên du xuân chúc tết bạn bè ở Lạng Sơn vào dịp các lễ hội diễn ra, tôi đặc biệt ấn tượng với điệu múa chầu then của người dân tộc. Khi đó, tôi đã dùng điện thoại quay hình lại làm kỷ niệm. Khi về Hà Nội, tôi cho bạn bè cùng xem và mọi người đều rất thích thú với điệu múa độc đáo, lạ mắt này.
Múa chầu then tại lễ hội xuân Na Sầm, huyện Văn Lãng năm 2019
Từ xa xưa, múa chầu là điệu múa gắn liền với then tín ngưỡng. Múa chầu then có nhiều điệu khác nhau như chầu vua, chầu tướng, chầu chơi chim, chầu xuống tấn… Ở Lạng Sơn, điệu múa chầu phổ biến được sử dụng trong then là chầu tướng, chầu vua. Múa chầu ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh lại có những nét đặc trưng riêng và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc Tày Xứ Lạng. Thông qua điệu múa chầu, thầy then cũng như người múa đã gửi gắm khát vọng và ước muốn cầu phúc, cầu lộc, bình an, sức khỏe cho mọi người, cầu mùa màng tươi tốt, bội thu. Với ý nghĩa đó, những năm qua, múa chầu then thường được trình diễn trong dịp lễ hội truyền thống đầu năm mới.
Nghệ sỹ Ưu tú Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho biết: Năm 1996, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Thủy Tiên và tôi đã sưu tầm, chỉnh lý giai điệu múa chầu tướng của dân tộc Tày huyện Văn Quan và đặt lời hát then theo giai điệu múa chầu: “Cùng hòa vang khúc nhạc then/ Tiếng tính réo rắt nhịp bước mê say/ Nắm chặt tay cùng múa vui/ Khúc nhạc then, cùng hòa vang tiếng đàn then”. Từ đó đến nay, giai điệu và những khúc hát này được chúng tôi sử dụng trong các tiết mục biểu diễn và được sử dụng rộng rãi trong múa chầu then sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là trong các ngày lễ, tết.
Điệu múa này thể hiện chủ yếu theo hình thức tập thể (chỉ trừ trong then tín ngưỡng có thể do thầy then múa đơn) từ 4 người trở lên (số người chẵn) và múa theo hình vòng tròn, đan xen,… kết hợp tạo hình nên múa chầu then luôn mang đến cho người xem cảm giác thú vị. Múa chầu then ngẫu hứng trong các lễ hội còn có khả năng thu hút đông đảo người dân cùng tham gia, không phân biệt dân tộc, giới tính, tuổi tác, chỉ cần biết múa và đủ đôi là có thể “nhập hội” múa.
Ông Hoàng Việt Bình, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh cho biết: Múa chầu then là điệu múa đặc sắc, là một trong những vốn quý cần được gìn giữ, bảo tồn. Do đó, từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã đẩy mạnh và truyền dạy rộng rãi múa chầu then trong cộng đồng, đồng thời khuyến khích hội viên các câu lạc bộ dân ca trên tích cực biểu diễn múa chầu trong các lễ hội xuân tại địa phương. Vì vậy, múa chầu được biểu diễn tại các lễ hội xuân ngày càng phổ biến. Từ năm 2015 đến nay, trên 80% chương trình văn nghệ tại các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh khi có hát then thì sẽ có múa chầu.
Tại các lễ hội xuân, múa chầu then không chỉ được biểu diễn trên sân khấu mà chỉ cần giai điệu múa chầu được vang lên thì nhiều người biết múa cũng tự múa ngẫu hứng với nhau, tạo nên bức tranh sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc. Điệu múa chầu tự lúc nào đã trở thành một trong những nét đẹp của ngày xuân Xứ Lạng.
“Múa chầu là hình thức then cầm bộ xóc nhạc trên tay, có khi là chiếc quạt hoặc khăn đào để múa với các điệu như chầu tướng, chầu vua, “lồng đang” (xuống tấn), “pắn tẻo” (vặn người), chầu bioóc (chầu hoa)… Múa chầu biểu thị các dáng diệu trong cuộc sống lao động của cư dân nông nghiệp như: cấy trồng, vun xới, kéo lúa xay thóc, be bờ đắp mương. Múa chầu là điệu múa mang tính chúc tụng và kính mừng…” Theo Từ điển văn hóa then, Hoàng Việt Bình chủ biên, Nhà xuất bản Thế giới, 2021) |
Ý kiến ()