Đặc sắc lễ hội Phài Lừa truyền thống xã Hồng Phong, huyện Bình Gia
– Tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, cứ 3 năm một lần (vào năm nhuận) vào ngày 4/4 âm lịch, Nhân dân lại nô nức trẩy hội Phài Lừa (theo tiếng Nùng “Phài Lừa” nghĩa là chèo bè). Lễ hội này gắn liền với tục thờ rắn của cư dân vùng ven sông Bắc Giang (hay còn gọi là sông Văn Mịch). Năm 2018, Lễ hội Phài Lừa, xã Hồng Phong đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Năm 2023, lễ hội Phài Lừa, xã Hồng Phong được tổ chức với quy mô hoành tráng, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách gần xa.
Ngay từ sáng mồng 4 tháng 4 (âm lịch), các cụ cao tuổi và Nhân dân 9 thôn dọc bờ sông Bắc Giang (còn gọi là sông Văn Mịch) mang lễ vật, tập trung tại đình Ông, đình Bà để làm lễ. Sau khi đồ lễ được sắp xếp trước bàn thờ theo quy định, (ngoài lễ vật chung của làng xã mỗi thôn, bản đều chuẩn 1 mâm lễ gồm gà, xôi, rượu, hoa quả, bánh kẹo...), Pú Mo chỉnh đốn trang phục làm lễ tế thần Rắn, mời thần về dự hội, về thăm bố mẹ nuôi và dân bản.
Tiếp theo là nghi thức rước kiệu thần Rắn, xuất phát từ đình Ông đến miếu Thổ Công phố Văn Mịch để trình diện và xin phép Thổ Công. Đi đầu đoàn rước là các đội sư tử, tiếp đến nhóm rước cờ hội, kiệu thần Rắn, đại diện 3 dòng họ Vy, Đỗ, Nông, cuối cùng là Nhân dân trong xã và du khách tham dự lễ hội. Trống, chiêng, chũm chọe được gõ đều theo nhịp đi của đoàn rước.
Trên kiệu rước là tượng thần Rắn được tạo tác bằng gỗ gắn với truyền thuyết liên quan đến tục thờ thần Rắn, thần sông tại vùng sông Bắc Giang (còn gọi là sông Văn Mịch). Để tưởng nhớ công ơn của chàng Rắn đã giết hết Thuồng Luồng đem lại bình yên cho cuộc sống người dân, cứ 3 năm một lần (năm Nhuận) vào ngày 4/4 âm lịch, khi Rắn trở về thăm bố mẹ và bà con dân bản, bà con khu Văn Mịch lại long trọng tổ chức lễ hội Phài Lừa.
Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn, các chàng trai đại diện cho các thôn, bản trong xã Hồng Phong và một số xã lân cận trổ tài thi đua bè mảng, trang phục được chuẩn bị gọn gàng, mỗi đội có màu trang phục riêng biệt. Chèo bè mảng (Phài Lừa) chính là một tục hèm để tưởng nhớ thần Rắn xuống sông diệt Thuồng Luồng trả thù cho em và mang lại cuộc sống bình yên cho dân bản.
Thông thường cuộc chèo được tổ chức thành 2 vòng. Mỗi lượt chèo có 3 đội tham gia. Các tay chèo dồn sức chèo nhanh và đều để đưa bè vượt lên phía trước (phải quỳ gối chèo, không được ngồi, đứng hoặc chống tay trên bè), các tay chèo loang loáng mái chèo, giành nhau từng lợi thế, thể hiện tài trí và nghệ thuật chèo để giành chiến thắng cho đội mình
Đến đoạn giữa trước cửa Đình, các tay chèo lật bè ba lần (việc lật bè này là việc làm để tưởng nhớ về cách vặn mình của Thần Rắn năm xưa lúc đi diệt Thuồng Luồng). Các tay đua phải phối hợp nhịp nhàng, nhanh, mạnh, dứt khoát, khéo léo để bè mảng lật thật nhanh, người đua không bị rơi xuống nước, không ướt đầu là đạt yêu cầu.
Cuộc thi đua bè mảng thu hút sự theo dõi, hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân và du khách. Do lượng người đông, một số người dân đã trèo lên những sườn đồi để tiện theo dõi. Qua đó, tạo nên không khí vui tươi, sôi động giúp các đội thi có thêm động lực hoàn thành chặng đường đua.
Cùng với các hoạt động, nghi lễ truyền thống, hội Phài Lừa cũng là dịp để bà con các dân tộc bày bán trang phục được sản xuất thủ công, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, để ngày hội thêm vui, thêm ý nghĩa.
Tại lễ hội năm nay, các xã, thị trấn có dịp quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của từng nơi đến những người tham gia lễ hội như trang phục, nhạc cụ...
"Lảy cỏ" - trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng huyện Bình Gia cũng được tổ chức tại lễ hội. Trò chơi này phải kết hợp giữa miệng, tay và trí óc. Khi chơi chỉ có hai người ngồi đối diện hoặc ngồi vòng tròn theo mâm cỗ dựa trên nguyên tắc người nào thắng cuộc sẽ tiếp tục thi tài với người khác, người thua sẽ bị phạt bằng rượu.
Chia tay lễ hội Phài Lừa, chúng tôi còn lưu luyến mãi bởi sắc chàm đen của trang phục truyền thống người Nùng Phàn Slình, những nụ cười đôn hậu miền sơn cước của bà con dân tộc xã Hồng Phong. Rồi đây, với danh hiệu "Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia" và sự nỗ lực của chính quyền, Nhân dân huyện Bình Gia trong việc tuyên truyền quảng bá, mỗi lần tổ chức lễ hội sẽ là điểm hẹn hấp dẫn của những người yêu văn hóa truyền thống.
Ý kiến ()