Đặc sắc làn điệu ví của người Tày ở Quỳnh Sơn
LSO- Xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn có 446 hộ dân với trên 98% là bà con dân tộc Tày sinh sống. Người Tày Quỳnh Sơn vẫn còn bảo tồn và lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo, từ tiếng nói, trang phục, đến các làn điệu dân ca truyền thống. Trong đó, nổi bật là hát ví.
Hát ví đã tồn tại hàng thế kỷ nay trong đời sống của bà con người Tày xã Quỳnh Sơn, trong xã có những bậc cao niên mà tuổi hát gần bằng tuổi đời. Bà Dương Thị Vẹn, 85 tuổi, thôn Đon Riềng I là người rất am hiểu về hát ví cho biết: Hát ví vốn là hát dân ca ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Do trước đây, người Tày của xã có nguồn gốc từ nhiều địa bàn khác nhau ở vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ di cư đến nên có sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Việt và cộng đồng người Tày. Nhờ sự giao thoa, tiếp biến mạnh của văn hóa Tày bản địa mà hát ví có xu hướng “Tày hóa” và trở thành một loại hình dân ca của người Tày.
Khác với các loại hình hát then, lượn, phong slư, hát ví chủ yếu dùng tiếng Việt, khi đến với người Tày có thêm ngôn ngữ Tày. Giọng điệu, ngôn từ dân tộc Tày được lồng trong ngôn ngữ Việt thông qua thể thơ lục bát, với lối gieo vần uyển chuyển, khiến cho những câu hát ví của người Tày rất khác với lối hát truyền thống. Cũng như các loại hình dân ca khác, hát ví phản ánh nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó nổi bật là ví giao duyên.
Một giờ học hát ví trong lớp “Truyền dạy dân ca” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn
Hiện nay, phong trào hát ví được người dân xã Quỳnh Sơn tiếp tục lưu giữ và phát triển. Từ năm 2013, xã đã thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca của hội người cao tuổi, hát ví là một trong những nội dung hoạt động của CLB. Nhờ đó, các điệu ví đã được sử dụng nhiều hơn trong các hội thi, hội diễn văn nghệ ở cơ sở, đặc biệt là các tiết mục dân ca trong lễ hội truyền thống hằng năm. Mặt khác, xã thành lập đội văn nghệ gồm 15 thành viên thường xuyên biểu diễn nhiều làn điệu dân ca, trong đó có làn điệu ví của người Tày phục vụ khách du lịch. Từ đầu năm 2018 đến nay, đội văn nghệ xã đã biểu diễn phục vụ hàng trăm lượt du khách với trên 20 buổi biểu diễn tại làng du lịch cộng đồng.
Mặc dù được quan tâm như vậy, nhưng số người biết hát ngày càng ít, tập trung chủ yếu ở người lớn tuổi. Cùng với sự phát triển nhanh của xã hội, thế hệ trẻ tiếp cận với những loại hình âm nhạc hiện đại, khiến cho những làn điệu ví của người Tày có nguy cơ bị mai một. Vì vậy, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND xã Quỳnh Sơn mở lớp truyền dạy, bảo tồn và phát triển các làn điệu hát then, hát ví đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân. Lớp truyền dạy có 35 học viên, thuộc nhiều lứa tuổi ở các xã: Quỳnh Sơn, Chiến Thắng, Vũ Lăng.
Trong số học viên được truyền dạy có nhiều người trẻ tuổi. Em Dương Công Trọng, 18 tuổi, thôn Nà Riềng I chia sẻ: Em đã được học hát then, đàn tính từ nhỏ nhưng em lại chưa biết hát ví. Mới đây, em được học rất nhiều điệu hát ví hay và thú vị tại lớp học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhờ thế, đến nay, em đã hiểu và có thể hát được nhiều làn điệu dân ca của dân tộc mình hơn.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: Trong thời gian tới, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, xã có kế hoạch triển khai việc thành lập thêm CLB bảo tồn văn hóa của xã để khuyến khích người dân duy trì những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc, trong đó có hát ví. Qua đó góp phần xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()