Ðác Nông tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường
Chất lượng giáo dục còn thấp
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, hệ thống trường học ở Ðác Nông đã được mở rộng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa và phần lớn đã được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh DTTS đến trường. Trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 359 trường học từ bậc mầm non đến THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, với 149.798 học sinh các cấp, tăng 3.466 học sinh so với năm học trước, trong đó có 48.455 học sinh DTTS. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh, chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS đã được nâng cao hơn so với những năm đầu mới thành lập tỉnh, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp. Cụ thể, trong năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 46.527 học sinh DTTS, trong đó ở bậc mầm non tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ đạt khoảng 75%, số trẻ năm tuổi được học hai buổi/ngày đạt 65%, số trẻ năm tuổi chưa qua lớp mẫu giáo còn cao. Ðối với bậc tiểu học, trong tổng số 24.368 học sinh DTTS thì có đến 19% số học sinh xếp loại yếu môn tiếng Việt, 18,9% số học sinh xếp loại yếu môn Toán, trong đó học sinh dân tộc M'nông, Mạ, Ê Ðê và Mông có học lực yếu môn tiếng Việt chiếm đến 27% và yếu môn Toán là 26,7%. Ðối với học sinh THCS, trong tổng số 11.531 học sinh DTTS thì có đến hơn ba nghìn học sinh xếp loại yếu, kém, chiếm tỷ lệ 26% và trong tổng số 3.485 học sinh THPT người DTTS thì có đến 1.322 học sinh có học lực yếu, kém, chiếm tỷ lệ 37,9%…
Do tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém còn nhiều và hoàn cảnh, điều kiện kinh tế còn khó khăn, cho nên các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình cũng như tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra… dẫn đến càng học lên cao thì tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học càng nhiều. Cụ thể, ở cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm 41,6% số học sinh tiểu học toàn tỉnh thì đến cấp THCS tỷ lệ này giảm xuống còn 30,2% và đến cấp THPT chỉ còn khoảng 19,9%.
Phó Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Ðác Nông Nguyễn Văn Toàn cho biết: Chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn hạn chế. Vì vậy, các em thiếu hẳn công cụ ngôn ngữ để tiếp nhận kiến thức của chương trình học. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục trong gia đình, cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa không thuận lợi để tác động đến nhận thức của học sinh DTTS, do đó học sinh thiếu động cơ, ý thức học tập…
Tháo gỡ vướng mắc
Trong những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương như miễn, giảm học phí, cấp phát sách giáo khoa, vở viết, hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh DTTS…, tỉnh Ðác Nông đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS. Một trong những chính sách đó là Nghị quyết số 16/2009/NQ-HÐND ngày 25-9-2009 của HÐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên là người DTTS từ năm 2010 đến 2015. Với chính sách này, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS đang theo học tại các trường học công lập trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Bên cạnh đó, từ năm học 2012-2013, tỉnh đã triển khai thực hiện Ðề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS đến năm học 2015-2016, trong đó tập trung chủ yếu vào học sinh bốn dân tộc gồm M'nông, Mạ, Ê Ðê và Mông. Những học sinh tiểu học của bốn dân tộc này thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/tháng, mỗi năm cấp chín tháng; đối với giáo viên giảng dạy tăng cường tiếng Việt, phụ đạo học sinh yếu, kém tại các trường có học sinh thuộc bốn dân tộc nói trên được hỗ trợ 4% mức lương cơ bản/một tiết học… Vì vậy, khi chính sách này được ban hành đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Chúng tôi về Trường tiểu học Lê Văn Tám, xã vùng 3 Ðác N'drung, huyện Ðác Song đúng vào lúc các giáo viên của trường đang dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 và 2. Cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2013-2014, nhà trường có 431 học sinh, trong đó có 340 học sinh DTTS. Sau một năm thực hiện đề án, chất lượng giáo dục học sinh DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm qua, nhà trường đã mở được 15 lớp tăng cường tiếng Việt cho hơn 200 học sinh DTTS tại chỗ lớp 1 và 2; mở 10 lớp dạy phụ đạo cho hơn 70 học sinh lớp 3 và 4 yếu về môn Toán và tiếng Việt… Nhờ đó, tỷ lệ học sinh yếu kém môn tiếng Việt giảm xuống còn 11,6%, môn Toán còn 13,9%, nhất là kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em tốt hơn, hạn chế lỗi khi đọc, viết, đồng thời tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn. Cô giáo Lê Thị Nhung, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Lê Văn Tám tâm sự: “Trước đây, khi chưa có đề án, các giáo viên trong trường vẫn dạy thêm tiếng Việt và phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém, nay được hỗ trợ thêm một phần kinh phí, tuy không nhiều, nhưng cũng động viên giáo viên chúng em hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
Năm học 2013-2014, Trường tiểu học Kim Ðồng, xã Quảng Khê, huyện Ðác Glong có 940 học sinh, trong đó có 376 học sinh DTTS. Dù còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng kể từ khi triển khai thực hiện Ðề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, nhà trường đã bố trí phòng học, phân công giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt và dạy phụ đạo nghiêm túc, chu đáo cho học sinh yếu kém môn Toán. Thầy giáo Nguyễn Lương Bằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kể từ khi thực hiện đề án, các học sinh DTTS được hưởng lợi có điều kiện mua thêm sách, vở, áo, quần, đồ dùng học tập…, cho nên các em đến trường đều đặn hơn.
Ðồng chí Nguyễn Văn Toàn chia sẻ: Với một tỉnh còn nghèo và tỷ lệ học sinh DTTS chiếm khá lớn như Ðác Nông thì việc triển khai thực hiện đề án là nỗ lực lớn của tỉnh. Bởi chỉ riêng đề án này, bình quân mỗi năm tỉnh đầu tư gần 7,6 tỷ đồng. Ðến nay, sau một năm thực hiện, đề án đã mang lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ, toàn tỉnh đã có 693 giáo viên được bồi dưỡng tiếng M'nông, Ê Ðê; các trường học vùng DTTS đã tổ chức được 326 lớp tăng cường tiếng Việt cho hơn 6.850 học sinh lớp 1 và 2; 53 lớp dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém lớp 3 và 4 với 774 học sinh; tỷ lệ huy động trẻ sáu tuổi ở vùng đồng bào DTTS đến trường đạt 95%, công tác duy trì ổn định sĩ số trong năm học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án này đã nảy sinh những vướng mắc cần tháo gỡ, đó là toàn tỉnh hiện có 40 dân tộc anh em, nhưng tỉnh chỉ mới hỗ trợ cho học sinh thuộc diện hộ nghèo của bốn dân tộc là M'nông, Mạ, Ê Ðê và Mông, từ đó nảy sinh sự so bì giữa học sinh các dân tộc với nhau, thậm chí xảy ra tình trạng những học sinh yếu kém phải phụ đạo nhưng không có chính sách hỗ trợ, cho nên các em không đi học. Việc tăng cường dạy tiếng Việt và dạy phụ đạo cho học sinh yếu kém chủ yếu được tổ chức vào ngày thứ bảy, chủ nhật nhưng đây là các ngày nghỉ, nhiều học sinh theo cha mẹ lên nương rẫy, vì thế các em đi học không đều. Bên cạnh đó, đến nay học sinh dân tộc Mạ và Mông chưa có tài liệu chính thống tiếng mẹ đẻ cho nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy song ngữ cho các em. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên người DTTS trên địa bàn tỉnh còn ít và công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên trong vùng DTTS còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí… Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Ý kiến ()