Ðác Nông dồn sức chống hạn bảo vệ cây trồng
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (TL&PCLB) tỉnh Đác Nông, hiện toàn tỉnh có gần 10.000 ha cà-phê và lúa nước thiếu nước tưới, trong đó 700 ha cà-phê bị khô héo có nguy cơ thất thu; hàng trăm ha lúa nước, ngô lai và đậu đỗ các loại có nguy cơ khô hạn nặng vào cuối vụ.Chi cục trưởng TL&PCLB tỉnh Đác Nông Phạm Hữu Hào cho biết: Do thời tiết tiếp tục nắng nóng trên diện rộng, làm nguồn nước ở các sông suối, hồ đập ở các huyện Đác Mil, Cư Giút, Krông Nô dao động thấp hơn so với ngưỡng tràn từ 1,5 đến 2,5 m. Điều đáng lo hiện nay là một số hồ đập mực nước đã xuống dưới mực nước chết. Do các nguồn nước mặt và nước ngầm bị cạn kiệt, nên trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 523 ha lúa nước và 8.395 ha cà-phê đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, đối mặt với khô hạn, ảnh hưởng lớn đến năng suất, thậm chí là thất thu.Chúng tôi về huyện Đác Mil là vùng chuyên canh cây cà-phê lớn nhất tỉnh Đác Nông...
Chi cục trưởng TL&PCLB tỉnh Đác Nông Phạm Hữu Hào cho biết: Do thời tiết tiếp tục nắng nóng trên diện rộng, làm nguồn nước ở các sông suối, hồ đập ở các huyện Đác Mil, Cư Giút, Krông Nô dao động thấp hơn so với ngưỡng tràn từ 1,5 đến 2,5 m. Điều đáng lo hiện nay là một số hồ đập mực nước đã xuống dưới mực nước chết. Do các nguồn nước mặt và nước ngầm bị cạn kiệt, nên trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 523 ha lúa nước và 8.395 ha cà-phê đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, đối mặt với khô hạn, ảnh hưởng lớn đến năng suất, thậm chí là thất thu.
Chúng tôi về huyện Đác Mil là vùng chuyên canh cây cà-phê lớn nhất tỉnh Đác Nông với 20.000 ha cà-phê kinh doanh, đến nay nắng hạn đã làm 4.500 ha cà-phê ở các xã Đác Lao, Đác N'rót, Đác Gằn, Đức Mạnh khô héo vì thiếu nước tưới. Hàng trăm hộ nông dân đang phải gồng mình đào, khoan thêm giếng, tìm nguồn nước cứu vườn cà-phê. Trên đường về xã Đác Lao, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thái đang ghé mua dầu đi tưới cà-phê. Trao đổi với chúng tôi, ông Thái lo lắng nói: 'Ở đây năm nào cũng xảy ra hạn hán nhưng chỉ thiếu nước tưới đợt cuối, còn năm nay hạn nặng nên mới tưới đến đợt ba thì nước hồ đập cạn kiệt, dân phải tìm nguồn nước ngầm, nhưng chi phí đầu tư đào giếng khá tốn kém. Nếu đã có giếng rồi nay chỉ đào thêm hoặc khoan thì cũng tốn từ 10-15 triệu đồng, còn đào và khoan mới hoàn toàn thì tốn kém gấp hai ba lần'. Theo tính toán của ông Thái và những hộ trồng cà-phê ở xã Đác Lao, năm trước chi phí mua dầu tưới cho một ha cà-phê mỗi đợt chỉ khoảng ba triệu đồng, còn năm nay tăng lên hơn bốn triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đác Mil Phạm Tuấn Anh cho biết: UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện tích cực phòng, chống hạn, đặc biệt là điều tiết nguồn nước hợp lý. Bên cạnh đó, huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc vận hành, khai thác tất cả các công trình thủy lợi trên địa bàn, yêu cầu các cá nhân, đơn vị làm tốt việc duy tu, bảo dưỡng các thiết bị như máy bơm, lập kế hoạch xả và đóng nước hợp lý, tiết kiệm nước tưới trong suốt mùa khô. Còn ông Nguyễn Văn Truyền, Trạm Quản lý Khai thác thủy lợi Đác Mil cho biết: 'Trạm được giao quản lý, khai thác sáu công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho gần 1.000 ha cây trồng các loại trên địa bàn. Thời gian qua trạm đã tiến hành nạo vét, tu sửa gần 40 km kênh mương chính với tổng kinh phí hơn 250 triệu đồng; xây dựng lịch điều tiết nước hợp lý, khoa học, nhằm hạn chế thấp nhất nguồn nước thất thoát.
Tại huyện Đác Song, tình trạng hạn hán cũng đang diễn ra hết sức gay gắt, làm 2.700 ha cà-phê trong tổng số gần 17.000 ha cà-phê toàn huyện thiếu nước tưới, trong đó xã Đác Môl khô hạn xảy ra khốc liệt nhất với 700 ha cà-phê đang héo lá vì thiếu nước tưới. Chúng tôi đến các thôn Hà Nam Ninh, Đác Mâm, hai bên đường các vườn cà-phê héo úa, hoa và quả cháy đen, người dân phải thuê người đào, khoan thêm giếng cứu vườn cà-phê. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đác Song Hồ Viết Lượng, cho biết: Mặc dù, thời gian gần đây trên địa bàn huyện đã có mưa rải rác ở một số vùng, nhưng chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu cần nước của cây cà-phê. Trong khi đó, nhiều ao hồ, giếng nước trên địa bàn đã cạn kiệt nguồn nước, nếu trong thời gian tới, trên địa bàn huyện tiếp tục không có mưa thì nguy cơ hàng trăm ha cà-phê ở các vùng đồi cao thiếu nước, giảm năng suất là khó tránh khỏi.
Trong những ngày giữa tháng 4 này, tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt trên diện rộng nên không riêng gì nông dân huyện Đác Mil, Đác Song mà tại các huyện có nhiều diện tích cà-phê khác như Cư Giút, Đác R'lấp, Krông Nô, Đác Glong, thị xã Gia Nghĩa, ở đâu người dân cũng đang tất bật dồn sức chống hạn, cứu các vườn cà-phê.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đác Nông Nguyễn Văn Toàn cho biết: Những năm qua, do diện tích cà-phê và các loại cây trồng có nhu cầu tưới trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, khiến sức ép về nguồn nước tưới cũng trở nên gay gắt. Hiện toàn tỉnh có gần 200 công trình thủy lợi, hồ đập, nhưng chủ yếu là các công trình nhỏ với tổng dung tích hơn 150 triệu m3 nước, vừa phục vụ tưới cho 78 nghìn ha cà-phê, 6.000 ha hồ tiêu và hàng chục nghìn ha cây ăn trái, lúa nước, ngô lai, hoa màu khác. Trong khi đó, đến cuối năm 2010, các công trình thuỷ lợi của tỉnh chỉ mới đáp ứng được 43% tổng diện tích cây trồng có nhu cầu tưới của tỉnh, còn lại phải tưới bằng nước ngầm từ giếng đào và giếng khoan. Tuy nhiên, những năm gần đây do tình trạng phá rừng diễn ra ồ ạt, độ che phủ rừng ở nhiều địa phương bị thu hẹp làm nguồn nước ngầm cũng tụt giảm. Trong sản xuất, người dân lại chưa chú trọng thực hiện các biện pháp kỹ thuật về tưới, trồng cây che bóng mát, ủ gốc rễ cho cây cà-phê… dẫn đến tình trạng khô hạn càng khốc liệt hơn, nhất là những vùng chuyên canh cà-phê.
Để chống hạn, cuối tháng 3 vừa qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên quản lý, khai thác công trình thủy lợi, các trạm quản lý, khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, xã quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống thất thoát rò rỉ, có kế hoạch linh hoạt trong việc điều tiết, phân phối sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hạn chế tối đa lượng nước tổn thất. Phòng NN&PTNT các huyện, thị xã phối hợp UBND các xã triển khai các phương án chống hạn đối với khu vực có diện tích lúa nước và cà-phê đang thiếu nước tưới, khô cháy. Đối với những vùng có khả năng bơm tưới từ sông, suối hoặc từ dưới mực nước chết trong các hồ chứa, tỉnh bố trí máy bơm, kinh phí hỗ trợ nông dân mua nhiên liệu nhằm tận dụng tối đa nguồn nước để chống hạn. Cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp, các ngành trong tỉnh, nông dân ở các địa phương ở Đác Nông cũng chủ động thành lập các tổ, đội điều tiết nước; đóng góp kinh phí nạo vét kênh mương, thủy lợi; đào, khoan thêm giếng, ao, hồ để tìm nước ngầm, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước, ủ giữ ẩm cho gốc cây cà-phê… nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()