Đác Nông đối phó lũ lụt, sạt lở đất
Với địa hình đồi núi và bị chia cắt, hệ thống sông, suối, hồ đập dày đặc, lượng mưa hằng năm tương đối lớn... cho nên tình trạng lũ lụt, sạt lở đất ở Đác Nông diễn biến phức tạp. Trong tháng 8, các cấp, các ngành và các địa phương ở Đác Nông đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống lũ lụt và sạt lở đất nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Do ảnh hưởng của những cơn mưa lớn kéo dài, đầu tháng 8, tại tổ dân phố 4, thị trấn Kiến Đức, huyện Đác R'lấp đã xảy ra một vụ sụt lún đất nghiêm trọng. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường cho thấy, tổng diện tích đất bị sụt lún hơn 1.000 m 2 , chiều dài điểm sụt lún đất đến 400 m, dọc theo đường tỉnh lộ 686 đi huyện Tuy Đức, ven bờ lòng hồ thủy lợi Đác Blao. Vụ sụt lún đất ảnh hưởng trực tiếp tới bảy hộ dân ở địa phương như: gây nứt xé tường, gãy cột nhà, nền nhà bị sụt trong đó có hai ngôi nhà có nguy cơ bị sập… Ông Nguyễn Văn Lư lo lắng: “Khi phát hiện nhà bị sụt lún, có vết sâu tới 1,2m chia cắt ngôi nhà làm hai, có nguy cơ đổ sập, gia đình tôi vội dựng lều tạm ở tránh nguy hiểm. Chưa biết sinh sống thế nào. Người dân chúng tôi mong các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có biện pháp hỗ trợ ổn định cuộc sống và sản xuất”.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đác R'lấp Phạm Quang Vượng cho biết: “Huyện Đác R'lấp huy động các hộ dân và thiết bị máy móc để khơi thông các cống rãnh thoát nước ra khỏi vùng sụt lún, hỗ trợ vật chất và kinh phí cho các hộ làm chòi tạm để ở, chuyển đồ đạc, tài sản ra khỏi nhà tránh thiệt hại về người và tài sản; đồng thời phân công lực lượng chức năng trực 24/24 giờ tại vùng sụt lún, tuyệt đối không cho người dân ở trong các nhà đang bị nứt gãy có nguy cơ sập đổ”.
Mưa lớn cũng làm trục đường chính ở trung tâm huyện Tuy Đức bị sụt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân ở thôn 2, xã Đác Búc So có nhà ở phía ta-luy âm của trục đường. Nhiều nhà sụt lún vào đến nền, gây nứt tường nên nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Trưởng Phòng NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) huyện Tuy Đức Nguyễn Ngọc Quyền cho biết: Khu vực sạt lở là phần đất mới được đổ để làm đường cộng với phía dưới có mạch nước ngầm cho nên gây xói lở, sụt lún đất. Do mưa lớn, tại Km 750 quốc lộ 14 đoạn qua thôn Bắc Sơn, xã Đác Gằn, huyện Đác Mil thuộc Dự án thi công nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) do Liên doanh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng, lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 và Công ty TNHH xây dựng Băng Dương làm chủ đầu tư cũng xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Điểm sạt lở đất dài 126 m dọc theo quốc lộ 14, làm gần 10.000 m 3 đất đá sạt xuống hố sâu và làm hư hỏng hoàn toàn ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Văn Thắng, ở thôn Bắc Sơn cùng nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Ngoài những vụ sạt lở, sụt lún đất, huyện vùng sâu Krông Nô còn xảy ra tình trạng xói mòn đất làm sập hai cây cầu tạm ở thôn Giang Cách, xã Đác D'rô và cầu tạm ở thôn 2, xã Quảng Phú, làm một người dân ở thôn Giang Cách bị thương nặng, đồng thời gây ách tắc giao thông. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đác Nông Nguyễn Văn Bản cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh có đến 160 cầu treo, cầu tạm, hầu hết đều đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn. Phần lớn các cầu treo, cầu tạm này đều tập trung ở các thôn, buôn, bon vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do người dân tự làm bằng cây gỗ, tre… tạm bợ. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có cả chục cây cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi và xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm vì sử dụng cầu tạm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn… cho nên việc xóa bỏ cầu treo, cầu tạm trên địa bàn tỉnh là hết sức khó khăn.
Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Đác Nông, trong năm 2013, mưa lũ đã làm chết đuối 29 người, hai người bị thương, cuốn trôi năm cầu tạm, 18 ha hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả bị hư hại nặng, lốc xoáy đã làm sập đổ bảy ngôi nhà, tốc mái và hư hỏng nặng 159 ngôi nhà; lũ làm sạt lở, hư hỏng 29 km đường giao thông tỉnh lộ và quốc lộ với khối lượng 1.600 m 3 đất đá nền đường… tổng thiệt hại hơn 3,2 tỷ đồng.
Để chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do lũ lụt, sạt lở đất gây ra, tại hội nghị triển khai công tác PCLB&TKCN năm 2014 trên địa bàn tỉnh diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Nguyễn Đức Luyện đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và kịp thời tu sửa, có phương án bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, đường giao thông, hệ thống điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế; có phương án di dời các hộ dân sinh sống ven các sông, suối, đồi núi cao, khu vực trũng dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở an toàn. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân tham gia, nhất là nhân dân ở vùng sâu, dân tộc thiểu số, nhằm phòng tránh, ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai gây ra theo hướng “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả” và phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng cả ba mặt: cứu trợ khẩn cấp, khôi phục và tái thiết, phát huy vai trò của cộng đồng trong việc khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, xử lý môi trường, phục hồi sản xuất…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()