Đác Nông chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm
Trước tình hình dịch cúm gia cầm (H5N1) đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nguy cơ dịch lây lan và bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh Đác Nông là rất cao. Tỉnh Đác Nông đã và đang triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Nguy cơ bùng phát dịch cao
Chi cục phó Thú y tỉnh Đác Nông Đoàn Văn Đáp cho biết: Hiện nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 1,2 triệu con, cao nhất trong nhiều năm qua. Mặc dù số lượng gia cầm lớn nhưng việc làm chuồng trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp chưa nhiều mà phổ biến vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh ít xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm cho nên người chăn nuôi còn lơ là trong công tác phòng, chống, cũng như thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho gà, vịt, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đã bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố nhưng hằng ngày, số lượng gia cầm nhập vào địa bàn tỉnh khá nhiều, ở địa bàn vùng sâu, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp… khi các thương lái đưa gà, vịt ở những tỉnh có dịch lên bán để trục lợi.
Ngoài ra, Tây Nguyên đang là mùa khô thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát triển cho nên nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu mua phân trâu, bò, phân gà về bón cho các loại cây trồng, nhất là cây cà-phê, hồ tiêu của nhân dân là rất lớn. Vì vậy, nếu không kiểm soát kỹ, để phân gà ở các tỉnh có dịch cúm gia cầm nhập vào địa bàn tỉnh sẽ là nguồn lây lan dịch bệnh lớn nhất.
Một nguy cơ lớn nữa là nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã bán hết gà trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, nay phải nhập giống về để tái đàn mở đầu vụ chăn nuôi mới. Nhu cầu mua giống gia cầm của người dân là rất lớn, nếu công tác kiểm dịch không chặt chẽ, để các đàn gia cầm giống ở các tỉnh có dịch nhập vào địa bàn tỉnh sẽ làm bùng phát dịch… Chỉ tính trong tháng 1, ngành thú y tỉnh đã phát hiện và xử lý ba trường hợp vận chuyển động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn tỉnh không có giấy chứng nhận kiểm dịch, vệ sinh tiêu độc và trốn tránh sự kiểm tra của cán bộ thú y, trong đó hai trường hợp vận chuyển 17 tấn phân bò từ tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Tháp; một trường hợp vận chuyển 6.000 con chim cút từ tỉnh Đồng Nai…
Khẩn cấp phòng, chống dịch
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp lực lượng Cảnh sát giao thông, Chi cục Quản lý thị trường tăng cường lực lượng và duy trì chế độ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch trên các đầu mối quốc lộ 14, quốc lộ 28 dẫn vào tỉnh và các trạm kiểm dịch động vật ở cửa khẩu quốc gia Bu Prăng, Đác Peur để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm vào địa bàn tỉnh. Lực lượng thú y phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra tình hình vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm trên địa bàn để ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất để cấp phát cho UBND các huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND các huyện, thị xã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm cấp huyện, xã đi vào hoạt động thực chất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo các cấp để sẵn sàng ứng phó với dịch cúm gia cầm khi xảy ra trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn và trưởng các thôn, buôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh phối hợp với cơ quan thú y tăng cường kiểm tra, giám sát bệnh trên đàn gia cầm đến tận hộ dân, cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Khi có dịch xảy ra phải phối hợp cơ quan thú y và nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước về chống dịch cúm gia cầm như: kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch; cắm biển báo vùng dịch, lập các chốt kiểm dịch tạm thời; nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ, bán chạy gia cầm mắc bệnh ra khỏi ổ dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh để ngăn chặn dịch tái phát, lây lan.
Các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi, buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi-rút; tuyên truyền, vận động người dân không tham gia mua bán, vận chuyển lậu gia cầm ra vào địa bàn tỉnh và qua biên giới…
Chi cục phó Chi cục Thú y Đác Nông Đoàn Văn Đáp cho biết: Hiện nay, Chi cục đã thiết lập đường dây điện thoại nóng tại chi cục và trạm thú y các huyện, thị xã. Khi phát hiện gia cầm chết bất thường, người dân điện báo ngay để cán bộ thú y xuống kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch, Chi cục đã cấp hơn 2.400 lít hóa chất Iodin để người chăn nuôi tiêu độc, vệ sinh khử trùng chuồng trại, nơi giết mổ… Ngoài công tác phòng, chống dịch, Đác Nông cũng đã quyết định tạm dừng nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các tỉnh đang có dịch cúm A/H5N1 và tạm dừng nhập phân gia cầm từ tất cả các tỉnh cho đến khi tình hình dịch cúm gia cầm không còn xảy ra trên cả nước…
Để giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn, UBND tỉnh Đác Nông cũng quyết định thành lập ba đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định về phòng, chống dịch thì tham mưu cho cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()