Đác Lắc khẩn cấp ứng phó bệnh bạch hầu
Các bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu đang cách ly điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc.
Ngoài ra, 35 trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân dương tính với bệnh bạch hầu có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho… nên buộc phải cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngành Y tế Đác Lắc đang khẩn cấp ứng phó với bệnh bạch hầu, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Trước đó, ngày 30-8, ngay sau khi cháu H’Si Yan sinh năm 2013, trú tại buôn H’ring, xã Ea Hding, huyện Cư M’gar tử vong được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu, đoàn công tác của Sở Y tế Đác Lắc trực tiếp đến vùng dịch, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh; cấp hơn 20 nghìn viên thuốc đặc trị cho gần 1.000 người dân trong khu vực xuất hiện ca bệnh; tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng dịch. Đồng thời triệu tập 10 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột để hỗ trợ cho huyện Cư M’gar nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bạch hầu trên địa bàn.
Đối với công tác điều trị, ngành Y tế Đác Lắc đã thiết lập ba khu vực điều trị bệnh nhân gồm: khu vực khám sàng lọc, theo dõi chỉ định ban đầu ngay tại Trạm Y tế xã Ea Hding; hai khu vực tiếp nhận điều trị là Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại các khu vực điều trị này đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, khu vực cách ly và sẵn sàng thuốc để tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi mắc bệnh, nhằm chủ động trong công tác phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.
Trước sự lo lắng của người dân trên địa bàn về việc xuất hiện ổ dịch bạch hầu, chiều 2-9, mặc dù là ngày nghỉ lễ Quốc khánh, nhưng đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng do PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành Y tế Đác Lắc về công tác ứng phó với bệnh bạch hầu. Cục trưởng Trần Đắc Phu cho biết: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, kể từ khi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh chỉ xuất hiện lác đác với những người chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc tiêm nhưng không đủ liều. Qua kiểm tra cho thấy, bốn trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu tại Đác Lắc đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, một trường hợp đã tử vong chỉ tiêm được một mũi. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Ngoài ra, theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay các bệnh được dự phòng bởi vắc-xin 6 trong 1 hay 5 trong 1 được khuyến cáo tiêm cho trẻ nhỏ, bao gồm sáu bệnh: bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm màng não do Hib, viêm gan B, sốt bại liệt (với loại 5 trong 1 sẽ có một trong hai vắc-xin ngừa viêm gan B hoặc sốt bại liệt tùy chủng loại). Nếu tiêm đúng và đủ vắc-xin này, phụ huynh có thể yên tâm trẻ sẽ có miễn dịch suốt đời với bệnh bạch hầu. Đối với người lớn, nếu trước đây đã tiêm đủ mũi 3 trong 1 thì cũng được miễn dịch suốt đời…
Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều người dân chưa tiêm đúng và tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu, đặc biệt đã xuất hiện ổ dịch bạch cầu khiến nhiều người mắc bệnh, ông Trần Đắc Phu yêu cầu ngành Y tế Đác Lắc tiếp tục làm tốt công tác điều trị dự phòng; giám sát chặt chẽ những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân dương tính bạch hầu; tăng cường công tác truyền thông đến người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu để chủ động phòng tránh. Đối với việc thiết lập khu cách ly nên chuẩn bị khu cách ly khép kín từ khâu khám, chẩn đoán đến điều trị để hạn chế thấp nhất tình trạng lây nhiễm chéo; tại mỗi phòng cách ly nên bố trí dung dịch sát khuẩn và khuyến cáo bệnh nhân sử dụng hằng ngày. Với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, sau khi điều trị tại bệnh viện từ ba đến năm ngày mà không thấy dấu hiệu của bệnh bạch hầu thì nên cho về nhà tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện.
Giám đốc Sở Y tế Đác Lắc Nay Phi La cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo các phòng, ban và các tổ chức chính trị-xã hội trên đại bàn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh đường hô hấp nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, chú ý tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Do bệnh xuất hiện vào đúng dịp đầu năm học mới nên UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học trên địa bàn tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe học sinh, phối hợp ngành y tế phát hiện sớm học sinh mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời và tăng cường công tác vệ sinh môi trường…
Đối với địa phương đã xảy ra ổ dịch, tổ chức tập huấn ngay cho các bác sĩ điều trị và cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn huyện Cư M’gar về công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Tổ chức điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại xã Ea Hding để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ hai tháng tuổi trở lên đến 45 tuổi… nhằm sớm khống chế và dập tắt ổ dịch bạch hầu này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()