Đác Lắc kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Ngày 10-4, tại TP Buôn Ma Thuột, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo NHNN, chính quyền địa phương, hơn 200 doanh nghiệp và lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Ngày 10-4, tại TP Buôn Ma Thuột, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo NHNN, chính quyền địa phương, hơn 200 doanh nghiệp và lãnh đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Đánh giá tình hình hoạt động tín dụng trong năm 2012, ông Phan Hải Châu, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đác Lắc, cho biết: Năm 2012, hoạt động tín dụng trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng tín dụng năm 2012 chỉ đạt 9,0% (Trong đó, khối Ngân hàng Thương mại Nhà nước tăng 9,4%; khối Ngân hàng Thương mại cổ phần tăng 6,9%, ngân hàng Chính sách xã hội tăng 8,4%, quỹ tín dụng nhân dân tăng 15,6%).
Chỉ ra nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp, ông Châu cho rằng đó là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất kinh doanh do sản phẩm không tiêu thụ được, hàng tồn kho tăng cao. Từ đó kéo theo nhu cầu vay vốn đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân giảm…
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là mặc dù tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở mức 9% nhưng doanh số cho vay và thu nợ trên địa bàn vẫn đạt mức cao so với các năm trước: Doanh số cho vay tăng 31%, doanh số thu nợ tăng 42% so với năm 2011. Theo ông Châu, số liệu trên cho thấy, nguồn vốn các TCTD cung ứng cho nền kinh tế vẫn được duy trì ở mức cao.
Theo số liệu báo cáo của các TCTD trên địa bàn, tổng nguồn vốn huy động đến 31-3-2013 đạt 19.943 tỷ đồng; tăng 4,3% (tăng 826 tỷ đổng) so với đầu năm. Tính đến ngày 31-3, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 34.785 tỷ đồng, tăng 0,2% (tăng 71 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 16.294 tỷ đồng, chiếm 46,8% tổng dư nợ tín dụng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,6% so với đầu năm. Nợ xấu (nợ nhóm 3,4,5) là 604 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ cho vay.
Trong Quý I-2013, các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất của NHNN. Đến cuối quý I-2013, tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất trên 15%/năm từ 12,8% (thời điểm cuối năm 2012) giảm còn 8,9% trên tổng dư nợ; tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất từ 12-15%/năm chiếm 66,9% tổng dư nợ; tỷ trọng dư nợ có mức lãi suất dưới 12%/năm chiếm 24,2% tổng dư nợ. Nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, trong quý I-2013 các TCTD trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cho 7.780 khách hàng với dư nợ đạt 2.740 tỷ đồng. Chia sẻ ý kiến tại Hội nghị, nhiều ý kiến đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của các ngân hàng trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong thời gian qua. Song nhiều ý kiến cũng kiến nghị ngân hàng cần tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn thời gian cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu,…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Hoàng Trọng Hải, thời gian tới Đác Lắc cần một nguồn lực lớn để đầu tư phát triển kinh tế xã hội theo mục tiêu kế hoạch đề ra. Hằng năm, chỉ tính riêng đầu tư cho cây cà phê cần ít nhất từ 8-10 nghìn tỷ đồng, về nhu cầu thu mua cần ít nhất từ 18-20 nghìn tỷ đồng,… Đây là một nguồn lực rất lớn để tỉnh thu mua cà phê trong nhân dân. Do vậy theo ông Hải, nếu các doanh nghiệp không có sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn của ngân hàng thì sẽ bị thua thiệt trước các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: Hiện nay cả ngân hàng và doanh nghiệp cùng gặp nhiều khó khăn song hai bên cần phải cùng nhau “vượt sóng” để trải qua khó khăn này. Liên quan đến cây cà phê, ông Tú cho biết nhìn nhận cây cà phê là thế mạnh của Tây Nguyên nên ngành ngân hàng cũng có quyết tâm sẵn sàng hỗ trợ ngành này. Các ngân hàng thiếu vốn thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn để ngân hàng thương mại cho vay thu mua tạm trữ sản phẩm này. Còn đối với nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng, ông Tú cũng cho biết, thời gian qua hệ thống ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp này và trước mắt cũng tiếp tục cơ cấu lại nợ cho đối tượng này để họ có cơ hội tiếp tục vay vốn sản xuất kinh doanh…
Nhandan
Ý kiến ()