Đà tăng của vàng chững lại: Cơ hội để mua hay dấu hiệu thoái trào?
Vàng đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, bao gồm việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào, dòng vốn đầu tư từ châu Á, nhu cầu tiêu dùng ổn định và những bất ổn địa chính trị liên tiếp.
Giá vàng đã tăng khoảng 12% kể từ đầu năm nay, vượt trội so với hầu hết các loại tài sản khác.
Vàng được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, bao gồm việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào, dòng vốn đầu tư từ châu Á, nhu cầu tiêu dùng ổn định và những bất ổn địa chính trị liên tiếp.
Nhìn về tương lai, câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này nhất là liệu đà tăng của vàng có thể tiếp diễn hay đã bắt đầu thoái trào?
Tâm điểm của thị trường tài chính
Vàng đã trở thành tâm điểm của các thị trường tài chính trong năm nay khi nhiều lần phá vỡ mức cao kỷ lục trong khoảng thời gian từ giữa tháng Ba đến giữa tháng Năm.
Giá vàng được giao dịch trên mức 2.300 USD/ounce trong hầu hết quý 2/2024, có thời điểm chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20/5.
Tuy nhiên, đà tăng giá vàng đã chững lại kể từ đó do sự không chắc chắn về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, sau khi ngân hàng này giữ nguyên lãi suất chuẩn trong cuộc họp tháng Sáu.
Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tạm dừng mua vàng vào tháng 5/2024, vốn đã hỗ trợ nhu cầu vàng vật chất, cũng là một trở ngại khác đối với kim loại quý này.
Bất chấp lãi suất toàn cầu ở mức cao, trừ một vài ngoại lệ, và đồng USD mạnh, song kim loại quý này vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận hai chữ số xét trên nhiều loại tiền tệ trong nửa đầu năm nay.
Mối quan hệ giữa vàng, lãi suất thực và đồng USD thực ra không bị "phá vỡ" như một số nhà tham gia thị trường suy đoán. Trên thực tế, mối quan hệ này có khả năng đã ngăn vàng tăng mạnh hơn nữa. Đơn giản là trong môi trường hiện tại, những yếu tố bất lợi đã bị bù đắp bởi những yếu tố khác chiếm ưu thế hơn.
Vậy, điều gì đã đứng sau thành tích ấn tượng của vàng trong 6 tháng qua? Câu trả lời là sự hỗ trợ giá vàng đến từ việc các ngân hàng trung ương dẫn đầu bởi PBoC tiếp tục mua vào, xu hướng đầu tư mạnh mẽ từ châu Á, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu ổn định và bất ổn địa chính trị tại Trung Đông và châu Âu.
Duy trì các lực đẩy
Nhu cầu từ các ngân hàng trung ương là động lực chính cho diễn biến của giá vàng trong những năm gần đây.
Nhu cầu này đã đóng góp ít nhất 10% vào đà tăng của giá vàng trong năm 2023 và có khoảng 5% vào đà tăng của giá vàng kể từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, PBoC đã cho thấy sự giảm tốc trong việc mua vàng trong những tháng gần đây, đỉnh điểm là việc giữ nguyên lượng dự trữ vàng vào cuối tháng 5/2024.
Điều này kết hợp với việc bán ra đáng kể, đã đặt ra câu hỏi liệu nhu cầu từ các ngân hàng trung ương có thể giảm sút trong phần còn lại của năm hay không.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết trong năm ngoái, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đạt mức lớn thứ hai kể từ trước đến nay, với 1.037 tấn, sau mức kỷ lục 1.082 tấn ghi nhận vào năm 2022.
Theo khảo sát thường niên của WGC được công bố vào giữa tháng Sáu vừa qua, tỷ lệ phần trăm các ngân hàng trung ương dự báo sẽ tiếp tục tăng lượng vàng họ nắm giữ đạt mức cao nhất trong ít nhất sáu năm qua.
Cụ thể, khảo sát cho thấy 29% đại diện từ các ngân hàng trung ương cho biết ngân hàng của họ có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới, mức cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào năm 2018.
Các nhà đầu tư châu Á cũng là những người đóng góp quan trọng cho đà đi lên gần đây của giá vàng. Điều này được thể hiện rõ qua nhu cầu về vàng miếng và vàng thanh, dòng chảy của vàng trong các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và trên thị trường giao dịch thỏa thuận.
Trong quá khứ, các nhà đầu tư châu Á có xu hướng mua vào khi giá giảm, nhưng gần đây, họ đã đi theo xu hướng. Vì vậy, trong khi các yếu tố cơ bản để nắm giữ vàng vẫn tồn tại, câu hỏi đặt ra là liệu việc tạm dừng mua vào của PBoC có thể khuyến khích các nhà đầu tư ngắn hạn chốt lời hay không?
Xét về yếu tố địa chính trị, các nhà phân tích dự đoán căng thẳng địa chính trị hiện đang diễn ra ở Trung Đông với cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như cuộc xung đột Nga-Ukraine, sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024.
Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy các cuộc xung đột sẽ sớm dịu xuống. Sự phân cực chính trị, xung đột vũ trang và sự xói mòn toàn cầu hóa đã thúc đẩy bất ổn kinh tế. Rủi ro địa chính trị đặc biệt khó dự đoán và có thể đến từ những nơi ít được mong đợi nhất.
Tuy nhiên, sự thật là giá vàng phản ứng tích cực với các vấn đề địa chính trị, tăng 2,5% cho mỗi 100 điểm mà Chỉ số Rủi ro Địa chính trị (GPR) tăng lên. Người ta thường cho rằng người tiêu dùng có xu hướng “chấp nhận giá” hơn là “tạo lập giá.”
Trong ngắn hạn, điều này có thể đúng. Tuy nhiên, đồ trang sức và công nghệ chiếm hơn 40% nhu cầu vàng hàng năm. Do đó, người tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy - và đôi khi làm chậm - đà tăng của giá vàng. Và họ thường phản ứng trước hai yếu tố chính: Giá cả và thu nhập.
Trong trường hợp này, xu hướng tăng mạnh của giá vàng thời gian qua đã làm giảm nhu cầu ở một số thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng tăng trưởng kinh tế tích cực có thể chống lại một phần tác động này.
Khả năng kim loại quý vượt mốc 3.000 USD/ounce dường như xa vời
Các nhà phân tích tại J.P. Morgan cho biết, họ vẫn "giữ quan điểm tích cực" đối với giá vàng trong trung hạn, và coi việc giá kim loại quý đang đi ngang là "cơ hội mua" để các nhà đầu tư dài hạn tích lũy thêm.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan cho hay họ dự báo giá vàng sẽ tăng từ 8% đến 10% vào cuối năm và trên đà đạt mức giá mục tiêu 2.600 USD/ounce vào năm 2025.
Các nhà phân tích cho biết khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự rõ ràng về thời điểm Fed giảm lãi suất, cuộc bầu cử vào tháng 11 tới của Mỹ có khả năng sẽ làm tăng thêm biến động cho thị trường.
Vàng được biết đến như một tài sản phòng ngừa rủi ro ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn địa chính trị và kinh tế, tăng trưởng mạnh trong môi trường lãi suất thấp.
Hầu hết các nhà phân tích và nhà giao dịch vẫn lạc quan về vàng, nhưng họ cho rằng khả năng kim loại quý vượt qua 3.000 USD/ounce có vẻ quá xa vời tại thời điểm này.
Ông Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành Metals Focus, cho biết: "Không phải là một yếu tố cụ thể nào đó đang kìm hãm giá vàng mà là mức 3.000 USD/ounce sẽ có nghĩa là tăng thêm 30% nữa so với hiện tại, đây là một con số khá lớn khi chúng ta đã chứng kiến mức tăng khá mạnh trong nửa đầu năm."
Trừ một vài ngoại lệ, nền kinh tế toàn cầu dường như đang cho thấy các chỉ số tăng trưởng thiếu ổn định, lạm phát có giảm nhưng vẫn ở mức cao khiến việc cắt giảm lãi suất vẫn chỉ là dự định.
Giới phân tích cho rằng giá vàng hiện nay đang phản ánh rõ nét dự báo cho diễn biến nửa cuối năm. Nói cách khác sau khi đạt được đà tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm, xu hướng thị trường hiện tại cho thấy giá vàng sẽ đi ngang từ mức hiện tại trong phần còn lại của năm nay.
Tuy nhiên, mọi thứ hiếm khi diễn ra theo đúng dự đoán. Và nền kinh tế toàn cầu, cũng như vàng, dường như đang chờ đợi một chất xúc tác.
Đối với vàng, chất xúc tác có thể đến từ việc giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển, thu hút dòng vốn đầu tư từ phương Tây, cũng như sự hỗ trợ của các nhà đầu tư đang tìm cách phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn từ thị trường chứng khoán và căng thẳng địa chính trị dai dẳng.
Tất nhiên, triển vọng của thị trường vàng cũng không phải là không có rủi ro. Việc giảm đáng kể nhu cầu từ các ngân hàng trung ương hoặc xu hướng chốt lời mạnh mẽ từ các nhà đầu tư châu Á có thể kìm hãm giá vàng. Tuy vậy, cho tới hiện tại, các nhà đầu tư toàn cầu vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ vai trò của vàng trong các chiến lược phân bổ tài sản mạnh mẽ.
Các nhà phân tích có những dự báo khác nhau về giá vàng trong năm 2025. Tuy nhiên, nhìn chung họ vẫn lạc quan về thị trường kim loại quý này.
Ông Lukman Leong, nhà phân tích hàng hóa và ngoại hối có trụ sở tại Jakarta, nói dự đoán vàng có thể được giao dịch ở mức 3.000 USD/ounce trở lên trong năm tới do nhu cầu vàng vật chất mạnh mẽ, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà phân tích Wahyu Laksono của Traderindo dự kiến kim loại này có thể giao dịch trong phạm vi 2.300-2.500 USD/ounce trong năm 2025, tăng so với mức dự báo trước đó là 2.300-2.400 USD/ounce.
Ông Laksono nói: “Vàng đang trong giai đoạn tích lũy tiềm năng để tạo đáy trước khi đợt tăng giá tiếp theo diễn ra.”
Dự báo giá vàng năm 2025 của ANZ Research được công bố vào cuối tháng Sáu cho thấy kim loại quý này sẽ giao dịch trung bình ở mức 2.593 USD/ounce trong năm sau, so với mức ước tính 2.493 USD/ounce được đưa ra vào tháng Tư.
Tuy nhiên, Giám đốc Laba Forexindo Berjangka, Ibrahim Assuaibi có một dự báo khác về giá vàng năm 2025.
Ông dự kiến giá vàng có thể giảm xuống còn 2.100 USD/ounce do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và châu Âu được dự báo sẽ dịu bớt.
Tuy nhiên, dự báo về giá vàng mới nhất của ông Assuaibi cho năm 2025 đã tăng so với ước tính đưa ra vào tháng Hai là 1.750-2.000 USD/ounce./.
Ý kiến ()