Đa số người dân Venezuela đồng tình việc nâng giá xăng dầu
Theo một cuộc thăm dò của hãng Hinterlaces về một số biện pháp mà chính phủ Venezuela đang cân nhắc nhằm đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại, có tới 62% người dân đồng tình với việc nâng giá xăng dầu bán lẻ trong nước.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn kết quả thăm dò công bố ngày 1/2 cho biết có 35% số người phản đối biện pháp trên và 3% số người được hỏi không đưa ra ý kiến của mình.
Nhiều nhà kinh tế từng nhận xét rằng giá xăng dầu bán lẻ tại Venezuela đang có giá rẻ tới mức phi lý (chỉ 0,2USD/lít xăng) và một khi nâng giá xăng dầu, chính phủ sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách lớn vốn dùng để trợ cấp mặt hàng thiết yếu này.
Theo cuộc thăm dò này, tới 86% người được hỏi phản đối việc thả cho đồng nội tệ bolivar trượt giá; 81% không đồng ý việc xóa bỏ hạn chế số lượng USD được mang đối với mỗi công dân Venezuela khi xuất cảnh và 82% ủng hộ biện pháp tăng lương cho người lao động.
Khoảng 63% số người tham gia cuộc thăm dò ủng hộ việc giới hạn mức giá thực phẩm bán lẻ, trong khi 67% phản đối biện pháp biểu tình trên đường phố mà phe đối lập đang phát động.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy các biện pháp cải cách kinh tế chính mà chính phủ theo tư tưởng Bolivar đã tiến hành trong hơn một thập kỷ qua vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của đa số nhân dân.
Cụ thể, có tới 71% số người được hỏi phản đối việc tái tư hữu hóa công ty dầu khí nhà nước PDVSA (trụ cột của nền kinh tế Venezuela và được quốc hữu hóa toàn phần theo Hiến pháp 1999) và 67% không đồng tình với việc trao lại ngành điện vào tay các doanh nghiệp tư nhân.
Tương tự, có tới 79% số người được hỏi phản đối việc hủy bỏ các chương trình xã hội mang tên Sứ mệnh lớn – sáng kiến quan trọng của cuộc Cách mạng Bolivar và tới nay đã mang lại nhiều thành quả to lớn trong giáo dục, y tế và nhà ở.
Nền kinh tế Venezuela đã suy giảm 3 quý liên tiếp, tỷ lệ lạm phát đang ở mức 63% trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới “lao dốc” khiến nguồn thu từ việc xuất khẩu dầu thô – chiếm tới 96% nguồn thu của quốc gia này – tiếp tục suy giảm nghiêm trọng.
Chính phủ Venezuela cũng cáo buộc các thế lực thù định đang tìm cách lũng đoạn hoạt động phân phối nhu yếu phẩm để gây tâm lý bất ổn trong dân chúng nhằm tạo ra một cuộc chiến tranh kinh tế.
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro đã thực hiện một loạt giải pháp như thành lập quỹ dự trữ chiến lược, thành lập ủy ban kiểm soát tỷ giá hối đoái, ra mắt hệ thống cơ quan kiểm soát phân phối hàng hóa và lên kế hoạch thực thi “Chương trình phục hồi kinh tế” với 7 nội dung.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()