Đà Nẵng xây dựng Cảng cá Thọ Quang thành trung tâm kinh tế gắn với du lịch
Trước thực trạng quá tải và ô nhiễm môi trường của Cảng cá Thọ Quang, giải pháp đặt ra đối với chính quyền và ngành chức năng TP.Đà Nẵng là nâng cấp và mở rộng Cảng cá này. Thông qua đó, Đà Nẵng đang hướng đến việc xây dựng Cảng cá Thọ Quang thành một trung tâm kinh tế và du lịch phát triển bền vững của TP.
Thực trạng Cảng cá Thọ Quang
Cảng cá Thọ Quang tọa lạc tại phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004.
Gọi là Cảng cá nhưng thực tế nơi đây có nhiệm vụ “kép”: Vừa là khu neo đậu cho tàu thuyền vào tránh bão của khu vực miền Trung, đồng thời cũng là nơi tập kết xuất- nhập hải sản từ biển vào cũng như đưa đi tiêu thụ tại các thị trường Đà Nẵng và khu vực lân cận. Do đó, kéo theo việc xuất- nhập hải sản thì tại đây cũng diễn ra các hoạt động buôn bán, sơ chế sản phẩm hải sản.
Với tính chất và chức năng trên, ngoài chức năng là Cảng cá, đây còn là Âu thuyền trú bão cho tàu cá cả khu vực miền Trung. Chính vì thế mà Ban quản lý Cảng cá này được đặt một cái tên “kép” là Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Theo thông tin cung cấp của Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (gọi chung là Ban quản lý), tại khu vực này có tổng diện tích mặt nước sử dụng khoảng 60ha, với thiết kế 32 phao bồn và 62 cột neo, có thể chịu song giá của bão cấp 12 để phục vụ cho khoảng 500 tàu thuyền vào đây tránh bão.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP.Đà Nẵng, trên thực tế, mỗi khi có bão, Âu thuyền và Cảng cá này tiếp nhận từ 1.100- 1.200 tàu thuyền, tăng hơn gấp 1,5 lần.
Tại đây, ngoài hệ thống cầu cảng chung với 03 cầu cảng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận từ 50- 60 tàu vào cập cảng; số lượng thủy sản thông qua cảng từ 120.000-130.000 tấn/năm (trong đó khoảng 65-70% là từ tàu cá đánh bắt trên biển về, số còn lại là thủy sản nước ngọt được các xe trên bộ nhập về tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng).
“Với giá trị hàng qua cảng khoảng 100.000 tấn/năm (tính giá bình quân khoảng 60.000-70.000 đồng/kg), thì mỗi năm giá trị thu về cho cảng mỗi năm khoảng 6.000- 7.000 tỷ đồng. Đây thực sự là con số không nhỏ mà Cảng cá Thọ Quang mang về cho ngân sách của TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu tỉnh luôn tổng diện tích trên bờ khoảng 2.400m 2bao gồm cả chợ hoạt động 2 phiên (trưa và tối mỗi ngày), tại đây mỗi ngày tiếp nhận khoảng 3.000 người đến tham gia giao dịch, hoạt động/1 phiên chợ. Cùng với đó có khoảng 60 lượt tàu cập cảng (mỗi tàu bình quân có 10 lao động), thì số lượng người từ tàu thuyền về đây khoảng 600 người/ngày. Và theo cách tính chung với lao động đi biển, 01 người đi biển nuôi 04 người trong gia đình. Như vậy, với số lượng 600 người đi biển vào đây sẽ nuôi được khaorng 2.400 người khác. Đây thực sự là con số có ý nghĩa về nhiều mặt, cả về an sinh xã hội, việc làm, thu nhập, xóa nghèo… cho người dân”- ông Nguyễn Đỗ Tám chho biết.
Tuy giá trị mà Cảng cá Thọ Quang mạng lại khá lớn như vậy, song trên thực tế tại đây đang tồn tại nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết. Trước hết, theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng: Đó là sự quá tải lượng tàu thuyền về đây (chỉ 03 cầu cảng liên tục tiếp nhận tàu thuyền) cũng như lượng người tham gia hoạt động tại chợ. Cùng với đó, lượng hàng thủy sản về phải có nơi tập kết, sơ chế, đóng gói… trước khi xuất đi. Đó là chưa nói các vấn đề hậu cần khác có liên quan như: Nước đá, xăng dầu, thực phẩm… phục vụ cho mỗi chuyến biển tiếp theo của các tàu cá.
Ngoài ra, ông Tám cũng cho biết, lượng dầu nhớt, tiếng ồn từ động cơ tàu thuyền vào cảng, từ xe cộ vào lấy hàng và lượng người làm việc, hoạt động tại đây đông cũng gây ra ra những hệ lụy khác có liên quan, đặc biệt là xác thủy hải sản rơi vãi, nước thải từ chợ hải sản, các nhà máy chế biến hải sản… đổ ra môi trường khu vực này gây ô nhiễm nặng nề cho nguồn nước cũng không khí tại đây.
Hướng đi mới cho Cảng cá Thọ Quang
Trước thực trạng đó, thời gian qua, ngành chức năng và UBND TP.Đà Nẵng đã xây dựng Đề án mở rộng, nâng cấp Cảng cá Thọ Quang và được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết đínhố 4457/QĐ-BNN-TCTS, ngày 28/10/2016. “Đây sẽ là cơ sở để Đà Nẵng từng bước đầu tư, xây dựng Cảng cá Thọ Quang trở thành một trung tâm kinh tế về thủy sản gắn với phát triển du lịch tại Đà Nẵng tới đây. Nếu thành công, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang ngoài việc tiếp nhận lượng tàu thuyền của các tỉnh khu vực miền Trung về đây tránh bão được đảm bảo và có số lượng nhiều hơn thì việc giữ gìn môi trường nơi đây trong sạch, TP sẽ đưa khu vực Cảng này thành điểm tham qua, mua sắm cho du khách khi đến Đà Nẵng”- ông Nguyễn Đỗ Tám cho biết thêm.
Chia sẻ thông tin từ ông Nguyễn Đỗ Tám, ông Ngô Văn Cát, Phó Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang dẫn theo Quyết định 4457 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng ký, cho biết: “Mục tiêu mà dự án hướng đến là nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang hiện tại thành một bộ phận hợp thành của cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng cho tàu cá có công suất 600CV cập cảng lên xuống hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu công suất hàng hóa qua cảng cùng với việc đầu tư các dự án thành phần thuộc Quy định 1976/QĐ-TTg, ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, nội dung quy mô đầu tư xây dựng công trình này gồm có khu mở rộng gồm: Công trình bến (600CV) với chiều dài bến 150m, rộng bến 9,5m, cao độ mặt bến 2,4m, cao độ đáy bến -4,81m. Trên bến bố trí 01 bích neo loại 25 tấn và 48 bộ đệm tựa tàu. 2 đầu bến bố trí đường ống cấp điện, nước.
Cùng với công trình bến có tường chắn song, hệ thống báo hiệu, các công trình kiến trúc nhà xưởng (bao gồm nhà che cầu tàu, xưởng nước đá và kho trữ đá, kho chứa dụng cụ sản xuất và trạm y tế, kho và cửa hàng lương thực, ngư lưới cụ, nhà để xe và thiết bị, nhà vệ sinh công cộng, nhà chứa rác, văn phòng làm việc của Ban quản lý, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cấp nước, cấp dầu, đường dẫn, bãi….).
Trong khi đó, các công trình nâng cấp gồm: Bến 600 CV hiện có, nhà lồng nối nhà phân loại hải sản, bãi đỗ xe, hệ thống nước thải, cứu hỏa, khơi thông luồng lạch…
Theo ông Ngô Văn Cát, tổng kinh phí đầu tư cho dự án nâng cấp và mở rộng Cảng cá Thọ Quang là hơn 217 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Trung ương đầu tư gần 200 tỷ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của TP.Đà Nẵng bỏ ra. Thời gian thực hiện dự án từ 2017 đến 2012. Riêng vốn phân bổ các hạng mục cho năm 2018 này là 23 tỷ đông (đã ghi vốn) và TP.Đà Nẵng đối ứng khoảng 10 tỷ đồng.
“Điều thuận lợi lớn là khi nâng cấp, mở rộng dự án này, diện tích phải giải tỏa đền bù không có; trong khi đó chủ trương và các quy định pháp lý đã có, nguồn vốn cũng đã được thống nhất. Khi hoàn thành, dự án này sẽ góp phần mở rộng, nâng cao năng lực quản lý và hoạt động của Cảng cá này, trong đó có vấn đề an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nỗ; đồng thời xây dựng nơi đây thành một cảng cá văn minh kết hợp với tham quan, du lịch, mua sắm của du khách. Đây thực sự là hướng đi cần thiết mà Đà Nẵng trong quá trình phát triển, nhất là việc hướng đến xây dựng một thành phố môi trường, văn minh, hiện đại cần phải có trong thời gian đến”- Phó trưởng Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang Ngô Văn Cát nhận định./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()