Ðà Nẵng xã hội hóa đào tạo nghề cho thanh niên
Dù dáng người nhỏ nhắn, nhưng Nguyễn Văn Khoa, 24 tuổi, ở tổ 6, khối phố An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thực hiện nhanh gọn, dứt khoát, công việc phục vụ bàn ở nhà hàng, miệng luôn cười tươi tắn.Gặp tôi, Khoa kể: 'Cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ và em về ở với bà ngoại. Do hoàn cảnh quá khó khăn không đủ tiền đi học, bà ngoại gửi em vào học chữ ở lớp học tình thương của phường để biết đọc, biết viết. 12 tuổi em nghỉ học vì phải đi làm nhiều nơi, đủ việc để tự kiếm sống'. Sau bao năm bươn chải, vất vả, năm 2009, Nguyễn Văn Khoa được Hội LHTN thành phố giới thiệu vào học nghề trong Chương trình đào tạo nghề miễn phí, thuộc dự án: 'Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn'. Bây giờ Khoa đã có trong tay một nghề thành thạo và có công việc ổn định ở Nhà hàng Golden Phoenix, do giáo viên đứng lớp của dự án giới thiệu, lương mỗi tháng...
Gặp tôi, Khoa kể: 'Cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ và em về ở với bà ngoại. Do hoàn cảnh quá khó khăn không đủ tiền đi học, bà ngoại gửi em vào học chữ ở lớp học tình thương của phường để biết đọc, biết viết. 12 tuổi em nghỉ học vì phải đi làm nhiều nơi, đủ việc để tự kiếm sống'. Sau bao năm bươn chải, vất vả, năm 2009, Nguyễn Văn Khoa được Hội LHTN thành phố giới thiệu vào học nghề trong Chương trình đào tạo nghề miễn phí, thuộc dự án: 'Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn'. Bây giờ Khoa đã có trong tay một nghề thành thạo và có công việc ổn định ở Nhà hàng Golden Phoenix, do giáo viên đứng lớp của dự án giới thiệu, lương mỗi tháng 1,5 triệu đồng, ngoài ra còn được thưởng và phụ cấp hơn 500 nghìn đồng/tháng. Nhờ vậy, Khoa có thể đỡ đần, giúp đỡ thêm cho bà ngoại nay đã quá già yếu.
Ở Đà Nẵng số thanh niên nghèo thất học, không có việc làm ổn định không phải ít. Không có nghề nghiệp, chuyên môn, cơ hội tìm kiếm việc làm đối với thanh niên nghèo trở nên xa vời. Cũng từ đây, một bộ phận thanh, thiếu niên sa ngã vào con đường lầm lỗi. Ngay cả một bộ phận thanh niên khi xuất ngũ trở về địa phương cũng khó tìm kiếm được việc làm vì không có nghề nghiệp. Hơn nữa, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, ruộng vườn bị thu hồi, thanh niên nông thôn càng lao đao vì thiếu việc làm. Thực hiện Chương trình 'ba có' của thành phố, trong đó có việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Hội LHTN phối hợp với Tổ chức Plan Việt Nam tại miền trung, triển khai thực hiện Dự án: 'Đào tạo và phát triển nghề theo định hướng thị trường cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn'. Từ tháng 9-2005 đến nay, dự án đã tổ chức được 17 lớp dạy nghề miễn phí, tìm việc làm cho gần 2.000 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Các khóa học đã giúp các bạn trẻ nhà nghèo, bộ đội xuất ngũ, cha mẹ ly hôn, mồ côi và thanh niên tái hòa nhập cộng đồng…, đến với các nghề đồ họa trên máy vi tính, nghiệp vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng, nghiệp vụ phục vụ bàn, bar, nghiệp vụ buồng, phòng khách sạn, nhà hàng. Sau mỗi lớp học, cán bộ đứng lớp của dự án có trách nhiệm liên hệ với các doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh để tìm việc làm cho các em. Anh Nguyễn Hữu Nhất Tâm, Quản lý dự án, giới thiệu tôi gặp nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Em Nguyễn Khánh Lam, 22 tuổi, quê ở xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, Quảng Nam, tâm sự: 'Nhà em ở quê, ba, mẹ bị bệnh nặng không lao động được, cuộc sống quá khó khăn, nên phải nghỉ học từ lớp 11 để làm nông, vất vả, dãi nắng, dầm mưa mà vẫn không đủ sống. Em được giới thiệu vào đây học nghề miễn phí, học xong, được các giáo viên tìm việc làm, hiện em đang làm ở Nhà hàng King. Nếu không có dự án này, chắc em khó có được một nghề để sinh sống và phụ giúp gia đình'. Đến các lớp học của dự án tại Nhà Văn hóa Lao động thành phố, chúng tôi chứng kiến các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn không chỉ được dạy nghề trong các khóa học, mà còn tham gia hoạt động ngoại khóa: tập múa, hát, sinh hoạt tập thể, tạo thêm sự năng động, hoạt bát, vui tươi hỗ trợ cho công việc đi làm sau này.
Với sự phát triển nhanh của Đà Nẵng, nhu cầu về một nguồn lực lao động qua đào tạo, có chất lượng luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Xuất phát từ thực tế, những năm qua công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành chương trình học ngắn hạn cho đối tượng thanh niên nghèo ngày càng được xã hội hóa, tạo điều kiện cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được học nghề để lập thân, lập nghiệp. Các cơ sở dạy nghề được củng cố, sắp xếp lại cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Đến nay, thành phố có 52 cơ sở dạy nghề, trong đó có bốn trường cao đẳng nghề, tám trường trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề, 21 cơ sở dạy nghề do các doanh nghiệp đứng ra thành lập và một cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 52 cơ sở đào tạo nghề của thành phố, có 51,9% ngoài công lập. Trong năm qua, các cơ sở dạy nghề cao đẳng, trung, sơ cấp của thành phố đã tuyển mới dạy nghề cho 32.135 học sinh, sinh viên. Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dạy nghề thường xuyên dưới bốn tháng cho gần bảy nghìn thanh niên. Hầu hết các cơ sở dạy nghề tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực xã hội đang có nhu cầu cao, như nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, du lịch, khách sạn, nhà hàng… và đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Hoài Nam cho biết: 'Các cơ sở dạy nghề tập trung vào các đối tượng thanh niên nghèo, thanh niên thuộc diện nhà di dời giải tỏa, bộ đội xuất ngũ. Ưu điểm của khóa đào tạo nghề là triển khai trong thời gian ngắn, sát với thực tế. Trước khi tuyển sinh, các cơ sở tiến hành khảo sát nhu cầu nghề của thị trường, học viên để tư vấn, hướng nghiệp trước khi đi học. Kết quả công tác đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm, từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã có 31.771 thanh niên được giải quyết việc làm.
Theo Nhandan
Ý kiến ()